Gạo Việt Nam gặp nguy cơ gian lận xuất xứ từ gạo Ấn Độ nhập khẩu

Gạo Việt Nam gặp nguy cơ gian lận xuất xứ từ Ấn Độ

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã trộn lẫn gạo của Ấn Độ với gạo Việt để buôn bán trên thị trường cả trong và ngoài nước…

Theo Báo Tin tức dẫn lời Giám đốc Marketing Phan Văn Có của Công ty TNHH VRICE, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp trộn lẫn gạo Ấn Độ với gạo Việt để buôn bán trên thị trường – cả trong và ngoài nước.

Cụ thể hơn, ông cho biết những doanh nghiệp này trộn lẫn gạo trắng Ấn Độ đánh bóng với gạo trắng của Việt Nam, sau đó mang gạo ‘xuất xứ Việt Nam’ xuất khẩu sang nước ngoài. Một số đơn vị khác nhập gạo Ấn Độ rồi gắn xuất xứ gạo Việt lên bao bì, sau đó bán cho người tiêu dùng trong nước.

Theo Giám đốc Có cho biết, đã có khách hàng tại Trung Đông phản hồi một số lô gạo trắng nhập từ Việt Nam chỉ tương đương với gạo Ấn Độ – xấu, cũ, và chất lượng thấp.

Ông cũng dẫn chứng một số đại lý nhập gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ – giá 11.000-11.200 VND/kg, sau đó bán ‘gạo Việt’ cho người tiêu dùng Việt Nam với giá 13.500-14.500 VND/kg.

Điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu gạo Việt nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.

Thương hiệu gạo Việt đang được quốc tế đón nhận

Trong 5 tháng đầu năm 2021, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 11,3%, trong khi kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ giảm có 5%. Nguyên nhân của kết quả này là do chính sách giảm lượng để tập trung vào chất của Việt Nam.

Theo Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo của Việt Nam (2025-2030), các nhà chính sách hoạch định rõ sẽ giảm sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam xuống còn khoảng 5 triệu tấn vào năm 2025 – của năm 2020 ước tính là 6,15 triệu tấn.

Các thương nhân xuất khẩu gạo cũng tích cực hưởng ứng chiến lược tập trung vào những thị trường có nhu cầu gạo chất lượng cao, như EU, Mỹ, và Nhật Bản.

Giá gạo của Việt Nam hiện nay cũng đã tương đối cao so với nhiều đối thủ khác. Cụ thể như với loại gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 483 USD/tấn, Thái Lan 443 USD/tấn, còn của Ấn Độ thì chỉ ở mức 388 USD/tấn.

Vải thiều xuất xứ Việt được nhập chính ngạch vào Pháp

Ngày 12/6/2021, lô vải thiều đặc sản của Việt Nam – gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.

Kết quả này là sự khẳng định thương hiệu và chất lượng của vải thiều Việt Nam trước những thị trường khó tính như EU.

Ngày 17/6/2021, Bộ Công Thương lại cho biết Nhật Bản đã nhập khẩu chính ngạch thêm gần 1 tấn vải thiều itrace247 của Việt Nam – sau một năm thăm dò thị trường Xứ sở mặt trời mọc.

Cũng chỉ trong năm đâu tiên, vải thiều Việt Nam đã chiếm khoảng 10% thị phần vải nhập khẩu của Nhật Bản, đứng sau Đài Loan và Trung Quốc.

Sự đón nhận của người dân xứ Phù Tang còn mở ra cơ hội xuất khẩu mía, xoài xanh, dừa, củ sả tươi… của Việt Nam sang Nhật Bản.

Đọc thêm: Vải thiều Việt Nam tiếp tục nhập khẩu chính ngạch vào Nhật Bản

Quay trở lại vấn đề gạo ‘xuất xứ Việt Nam’

Theo Tổng Giám đốc Phạm Thái Bình của Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nêu ra thực trạng:

“Thiệt hại trước mắt trong việc các khách hàng nghi ngờ xuất xứ gạo Việt Nam thời gian gần đây là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm rất nhanh. Nếu như ở vụ Đông Xuân vừa qua, gạo Việt Nam được chào bán với giá từ 520-530 USD/tấn vẫn chốt được đơn thì hiện tại giá chào bán chỉ ở mức từ 470-480USD/tấn nhưng nhiều khách hàng đang “dè chừng”, đơn hàng xuất khẩu gạo ngày càng ít.

Với đà này, giá lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi đã bắt đầu vào vụ Hè Thu. Không ai khác nông dân trồng lúa là người chịu thiệt hại trực tiếp, kế đến là các doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chân chính và toàn bộ ngành gạo Việt Nam”.

Ông Bình phân tích việc gạo nước ta được chào bán giá cao là nỗ lực của người nông dân, đơn vị chế biến, đơn vị xuất khẩu, cùng với ngoại giao của Chính phủ. Việc gian lận xuất xứ là một trong những điều cấm kị trong thương mại quốc tế và được áp chế tài rất nặng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là câu chuyện ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt. Nếu tình trạng này còn ảnh hưởng đến thương hiệu của toàn thể hàng Việt Nam, thì các doanh nghiệp logistics có lẽ sẽ càng trở nên khó khăn trong mùa Covid-19.

Tài liệu tham khảo:
1. Ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ gạo Việt
2. Thêm kênh nhập khẩu mới vải thiều Việt Nam vào Nhật Bản
3. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 ước 6,15 triệu tấn

Popular Posts

Back To Top