Thủy sản An Giang đặt mục tiêu có lãi năm 2022 sau 6 quý lỗ liên tiếp

Năm 2022, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang dự kiến họp ĐHCĐ vào ngày 17/6 tới đây. Đặt mục tiêu có lãi trong năm sau lỗ 6 quý liên tiếp.

  • AGF cho biết sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh sản phẩm fillet.
  • Giá nguyên liệu tăng, chi phí cước tàu tăng cao (trên 400%) khiến doanh thu không đủ bù chi phí.

Năm nay, HĐQT trình phương án doanh thu ước tính 750 tỷ đồng – tăng 60% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế 12 tỷ đồng (năm trước lỗ nặng 92 tỷ đồng).

Trong năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của AGF vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới đã dần được kiểm soát, thị trường từng bước ổn định trở lại, nhu cầu xuất khẩu hồi phục, các nhà máy sẽ hoạt động hết công suất.

AGF cho biết sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh sản phẩm fillet; giảm quy mô vùng nuôi nguyên liệu, thu gọn và thanh lý một số vùng nuôi không đạt hiệu quả để thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng để giảm áp lực lãi vay.

Công ty sẽ cơ cấu hệ thống bán buôn, các đại ký phân phối hàng giá trị gia tăng trong nước để tăng hiệu quả, giảm giá thành đủ sức cạnh tranh.

Lỗ chồng lỗ

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, doanh thu thuần đạt 97,3 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ, giá vốn bán hàng xấp xỉ với doanh thu đạt 94,5 tỷ khiến lợi nhuận gộp chỉ còn vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 200,7 triệu về 161 triệu đồng. Chi phí tài chính giảm 13% về 8,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 47% về 5,6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 5% về 2,7 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2022, doanh nghiệp báo lỗ 15,7 tỷ đồng qua đó ghi nhận quý lỗ thứ 6 liên tiếp kể từ quý IV/2020.

Như vậy, hiện lỗ lũy kế của Thủy sản An Giang lên 863 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, doanh thu giảm do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thị trường Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, hạn chế nhập khẩu nên các đơn vị đang thuê gia công gặp khó khăn trong tiêu thụ và không thể duy trì sản lượng sản xuất như dự kiến.

Giá nguyên liệu tăng, chi phí cước tàu tăng cao (trên 400%), việc đặt container xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu chưa tăng kịp với tốc độ tăng chi phí nên so với cùng kỳ, kim khách xuất khẩu của Agifish giảm và doanh thu không đủ bù chi phí.

Tổng tài sản đến cuối tháng 3/2021 ghi nhận giảm 15% về 362 tỷ đồng, trong đó, hàng tồn kho giảm 27% về gần 80 tỷ đồng. Nợ phải trả ngắn hạn đạt 526 tỷ đồng, giảm 8%. Vốn chủ sở hữu âm 169 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6, cổ phiếu AGF nằm sàn ở mức 3.700 đồng/cp.

Thủy sản An Giang tiền thân là Xí nghiệp Đông lạnh An Giang được thành lập từ năm 1985, được cổ phần hóa vào năm 2001. Thời điểm đó, Công ty đứng thứ 2 cả nước về năng lực chế biến xuất khẩu thủy sản (sản phẩm chính là cá basa và cá tra đông lạnh). Hiện Công ty có vốn điều lệ 281 tỷ đồng.

Theo VASEP

Bài đọc thêm

  1. An Giang – Đồng Tháp bắt tay nâng tầm thương hiệu cá tra Việt Nam
  2. Các nước RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản Việt Nam
  3. Cổ phiếu ngành thủy sản “miễn dịch” với xu hướng ảm đạm của thị trường

Popular Posts

Back To Top