Hắc Long Giang, tỉnh sản xuất đậu tương lớn nhất của Trung Quốc, sẽ tăng sản lượng đậu tương thêm 1,3 triệu tấn ngay trong năm nay.
Tỉnh đã thực hiện bước đi đầu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất vào năm 2022, sau cảnh báo gần đây của Bắc Kinh về sự phụ thuộc vào nhập khẩu đối với một mặt hàng được coi là thiết yếu đối với an ninh lương thực quốc gia.
Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc, nơi sản xuất khoảng 40% tổng sản lượng đậu tương của cả nước và chiếm một mức diện tích tương tự, đã đặt mục tiêu trồng hơn 666.667 héc-ta đậu tương trong năm 2022 này, theo ông Xu Qin, quan chức lãnh đạo của tỉnh cho biết.
Ông Xu cho biết sản lượng đậu tương hàng năm sẽ tăng thêm 1,3 triệu tấn trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã được công bố hôm 1/1. Con số này, nếu đạt được, sẽ giúp bổ sung gần 8% vào tổng sản lượng đậu tương quốc gia đã đạt được trong năm 2021.
Động thái của Hắc Long Giang diễn ra sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc trồng nhiều đậu tương và cây có dầu hơn trong năm nay để bảo vệ an ninh ngũ cốc.
“Đảm bảo cung cấp các sản phẩm chính là một vấn đề chiến lược lớn, bát cơm của người dân Trung Quốc phải luôn được chúng ta nắm chắc trong tay và chứa đầy ngũ cốc của Trung Quốc”, ông Tập nói trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào cuối tháng 12, theo Tân Hoa xã.
Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt các sản phẩm sơ cấp, bao gồm đậu tương, quặng sắt và dầu thô, có thể trở thành nguy cơ “tê giác xám” – một mối đe dọa hiển nhiên nhưng bị bỏ qua – đối với nền kinh tế số 2 thế giới.
Trung Quốc phải thiết lập một “đường cơ sở chiến lược” để đảm bảo tự cung tự cấp các nguồn lực quan trọng và trong khi nước này nên tận dụng cả thị trường trong và ngoài nước, họ không được vượt qua “ranh giới an toàn” đối với hàng nhập khẩu, ông Tập nói tại hội nghị công tác kinh tế Trung ương tháng trước.
Hơn 80% đậu tương mà Trung Quốc tiêu thụ hàng năm được nhập khẩu, chủ yếu từ Brazil và Hoa Kỳ, do nước này không thể sản xuất đủ để hỗ trợ ngành chăn nuôi lớn và đang phát triển nhanh chóng.
Sự phụ thuộc được coi là một liên kết yếu đối với ngành nông nghiệp của đất nước và an ninh lương thực nói chung. Đậu tương đã trở thành một chiến trường chính giữa Bắc Kinh và Washington trong cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Trump. Mua thêm hàng hóa nông nghiệp của Mỹ, bao gồm cả đậu tương, là một cam kết quan trọng mà chính phủ Trung Quốc đưa ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Dữ liệu hải quan mới nhất cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 8,57 triệu tấn đậu tương trong tháng 11/2021, tăng 67,7% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 10,6% so với một năm trước.
Trong 11 tháng của năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 87,7 triệu tấn đậu tương, ít hơn 5,6% so với một năm trước.
Trong đó, khoảng 26,2 triệu tấn được nhập khẩu từ Mỹ, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù việc Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đưa ra trong hiệp định thương mại tạm thời.
Wang Yanru, nhà phân tích cấp cao tại cổng thông tin ngành công nghiệp đậu tương Dadoutianxia.com cho biết: “Mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu cao có nghĩa là Trung Quốc không có tiếng nói trên thị trường quốc tế đối với đậu tương”. Bà Wang cho biết thêm việc tăng diện tích canh tác sẽ giúp ổn định giá đậu tương trong nước.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã nói với các chính quyền địa phương vào cuối năm 2021 rằng việc mở rộng diện tích trồng đậu tương và cây lấy dầu là “một nhiệm vụ chính trị lớn” phải hoàn thành trong năm nay.
Phục hồi diện tích trồng đậu tương ở phía Đông Bắc của Trung Quốc là việc cần làm hàng đầu.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, năng suất đậu tương nội địa hàng năm của Trung Quốc đã giảm 16,4% so với một năm trước đó xuống còn 16,4 triệu tấn vào năm 2021.
Diện tích trồng đậu tương giảm 14,8%, tương đương 1,4 triệu héc-ta vào năm ngoái, “chủ yếu là do thu nhập từ đậu tương thấp hơn so với ngô, dẫn đến việc nông dân ít sẵn sàng trồng đậu tương hơn”, Cục Thống kê Quốc gia cho biết.
Kế hoạch trồng cây của Hắc Long Giang có thể bù đắp cho một nửa tổng diện tích trồng đậu tương của Trung Quốc giảm vào năm ngoái, nhưng vẫn chưa đạt được mức diện tích trồng đỉnh cao mà tỉnh này đã từng thực hiện vào năm 2020 với diện tích canh tác khoảng 6,7 triệu héc-ta.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang thúc đẩy năng suất trên một đơn vị diện tích cao hơn cho các loại cây trồng chủ lực như đậu tương, có thể là thông qua việc tăng tốc hạt giống biến đổi gen.
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức cho thấy năng suất đậu tương trên một đơn vị diện tích đã giảm 1,8% vào năm 2021.
Trong năm qua, quốc gia này đã tiến gần hơn tới việc thương mại hóa các giống biến đổi gen, bao gồm cả việc sửa đổi các quy định.
Theo Báo Nông Nghiệp