Tình hình XNK hàng hóa của Việt Nam tháng 6 và nửa đầu 2022
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 6/2022 đạt 65,07 tỷ USD…
1. Đánh giá chung
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 6/2022 đạt 65,07 tỷ USD, tăng 2,4% tương ứng tăng 1,53 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 32,84 tỷ USD, tăng 6,2% (tương ứng tăng 1,92 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 32,23 tỷ USD, giảm 1,2% (tương ứng giảm 383 triệu USD).
Tính trong 2 quý/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 371,32 tỷ USD, tăng 16,4% tương ứng tăng 52,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 186,03 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 27,46 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 185,29 tỷ USD, tăng 15,5% (tương ứng tăng 24,86 tỷ USD).
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 611 triệu USD. Tính trong 2 quý/2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 743 triệu USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng là 44,38 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 quý/2022 lên 255,83 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 35,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này là 23,96 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 2 quý/2022 của doanh nghiệp FDI lên gần 135,9 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 19,15 tỷ USD) so với 2 quý/2021 và chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 6/2022 là 20,42 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 2 quý/2022 đạt 119,93 tỷ USD, tăng 15,5% (tương ứng tăng 16,1 tỷ USD) so với 2 quý/2021, chiếm 64,7% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 6/2022 đạt thặng dư 3,54 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 2 quý/2022 lên mức thặng dư 15,97 tỷ USD.
2. Thị trường xuất nhập khẩu
Trong 2 quý/2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 239,45 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,5%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 79,72 tỷ USD, tăng 20%; châu Âu: 39,07 tỷ USD, tăng 9,7%; châu Đại Dương: gần 9 tỷ USD, tăng 35,1% và châu Phi: 4,08 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với 2 quý/2021.
3. Xuất khẩu hàng hóa
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6/2022 là 32,84 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Quy mô hàng hóa xuất khẩu của nước ta trong tháng tăng 1,92 tỷ USD đến từ các nhóm hàng: hàng dệt may tăng 415 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 337 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 314 triệu USD; điện thoại các loại & linh kiện tăng 266 triệu USD; giày dép tăng 253 triệu USD…
Tính trong 2 quý/2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 186,03 tỷ USD, tăng 17,3%, tương ứng tăng 27,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: điện thoại các loại & linh kiện tăng 4,12 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 4,08 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 3,74 tỷ USD; hàng dệt may tăng 3,19 tỷ USD; hàng thủy sản 1,58 tỷ USD; giày dép các loại tăng 1,4 tỷ USD … so với cùng kỳ năm 2021.
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính
Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 6/2022 đạt trị giá 4,39 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước.
Tính trong 2 quý/2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 29,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với 2 quý/2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đạt 6,61 tỷ USD, tăng 53,7%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 6,45 tỷ USD, tăng 16,6%; sang EU(27) đạt 3,2 tỷ USD, giảm 7,7%; sang Hàn Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 29,8%… so với cùng kỳ năm trước.
Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 5,17 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 quý/2022 đạt 27,68 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 2 quý/2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 7,32 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 5,89 tỷ USD, tăng 12,1%; sang thị trường EU(27) đạt 3,73 tỷ USD, tăng 18,5%; sang thị trường Hồng Kông đạt 2,88 tỷ USD, tăng 1,3%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,79 tỷ USD, giảm 5,1%…
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,3% so với tháng trước. Tính trong 2 quý/2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 21,2 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 2 quý qua chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 9,49 tỷ USD, tăng 22,5%; EU với 2,7 tỷ USD, tăng 24%; Trung Quốc với 1,48 tỷ USD, tăng 25,9%; Hàn Quốc với 1,38 tỷ USD, tăng 26,9%… so với 2 quý/2021.
Hàng dệt may: Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đạt 3,59 tỷ USD, tăng 13,1% so với tháng trước. Trong 2 quý/2022, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 18,53 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 3,19 tỷ USD.
Trong 2 quý/2022, xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 9,33 tỷ USD, tăng 22,7%; sang EU đạt 2,13 tỷ USD, tăng 37,5%; sang Nhật Bản đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,1%; sang Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD, tăng 9,7%…
Hàng giày dép: Xuất khẩu hàng giày dép trong tháng đạt 2,36 tỷ USD, tăng 12% so với tháng trước. Trong 2 quý/2022, xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 quý/2022, xuất khẩu hàng giày dép sang Hoa Kỳ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 23,2%; sang EU đạt 2,91 tỷ USD, tăng 19%; sang Trung Quốc đạt 799 triệu USD, giảm 20,2%; sang Nhật Bản đạt 496 triệu USD, giảm 2,9%…
Hàng thủy sản: Xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2022 giảm 5,3% so với tháng trước nhưng vẫn là tháng thứ tư liên tiếp có trị giá đạt trên 1 tỷ USD.
Tính đến hết quý II/2022 xuất khẩu nhóm này đạt 5,71 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 1,31 tỷ USD, tăng 45,1%; sang Trung Quốc đạt 829 triệu USD, tăng 89,3%; sang Nhật Bản đạt 800 triệu USD, tăng 17,6%; sang EU đạt 686 triệu USD, tăng 41,2%…
Cà phê: lượng xuất khẩu trong tháng 6/2022 đạt 137 nghìn tấn, với trị giá 315 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với tháng trước. Tính trong 2 quý/2022, lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước với trị giá xuất khẩu cà phê đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 48,5% so với 2 quý/2021.
Trong đó xuất khẩu sang EU là 422 nghìn tấn, tăng 42,6%; Hoa Kỳ là gần 62 nghìn tấn, tăng nhẹ 1,3%; Nhật Bản là gần 61 nghìn tấn, tăng 5,3%…
Hàng rau quả: Trong tháng 6/2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 259 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước.
Tính đến hết quý 2/2022, cả nước đã xuất khẩu 1,68 tỷ USD hàng rau quả, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 346 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc đạt gần 800 triệu USD, giảm 34%; sang Hoa Kỳ đạt 137 triệu, tăng 23%; sang Hàn Quốc đạt 95 triệu USD, tăng 15,3%; sang Nhật Bản đạt 83 triệu USD, tăng 5,1%…
4. Nhập khẩu hàng hóa
Nhập khẩu hàng hóa trong tháng 6/2022 là 32,23 tỷ USD, giảm 1,2% về số tương đối và giảm 383 triệu USD về số tuyệt đối so với tháng trước. Trong đó có một số nhóm hàng giảm như: vải các loại giảm 293 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 213 triệu USD…
Bên cạnh đó có một số nhóm hàng tăng như: than các loại tăng 405 triệu USD; dầu thô tăng 204 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 128 triệu USD… so với tháng trước.
Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 2 quý/2022 đạt 185,29 tỷ USD, tăng 15,5%, tương ứng tăng 24,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất ở các nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 9,26 tỷ USD; xăng dầu các loại tăng 2,83 tỷ USD; than các loại tăng 2,49 tỷ USD; hóa chất tăng 1,3 tỷ USD…
Một số nhóm hàng nhập khẩu chính
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá nhập khẩu trong tháng là 6,73 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 quý/2022 đạt 43 tỷ USD, tăng 27,4%, tương ứng tăng 9,26 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 quý/2022, nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc là 12,5 tỷ USD, tăng 29,3%; từ Hàn Quốc là 12,31 tỷ USD, tăng 39,3%; từ Đài Loan với 5,85 tỷ USD, tăng 33,8%; từ Nhật Bản với 3,51 tỷ USD, tăng 40,6%… so với cùng kỳ năm 2021.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: trị giá nhập khẩu trong tháng đạt 4,11 tỷ USD, tăng 3,2% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong 2 quý/2022 lên 22,46 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 2 quý/2022 với trị giá là 11,9 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1%; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc với 3,38 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3%; Nhật Bản với 2,14 tỷ USD, giảm 3,4%… so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy): Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2022 là 2,4 tỷ USD, giảm 16,1% (tương ứng giảm 461 triệu USD) so với tháng trước.
Tính chung, lũy kế trong 2 quý/2022, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 14,71 tỷ USD, tăng 8,7% (tương ứng tăng 1,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vải các loại đạt 7,95 tỷ USD, tăng 9,0%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 3,52 tỷ USD, tăng 5,5%; bông các loại đạt 1,83 tỷ USD, tăng 15,5%; xơ sợi dệt các loại đạt 1,41 tỷ USD, tăng 6,4%.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam trong 2 quý/2022, chiếm tỷ trọng 53%, với 7,76 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là các thị trường: Đài Loan với 1,4 tỷ USD, tăng 6%; Hàn Quốc với 1,3 tỷ USD, tăng 1,9%; Hoa Kỳ với 961 triệu USD, tăng 0,4%.
Điện thoại các loại và linh kiện: nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,43 tỷ USD, giảm 3% so với tháng trước. Tính trong 2 quý/2022, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 10,28 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 2 quý/2022, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 9,35 tỷ USD, chiếm 91% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu từ Trung Quốc là 4,2 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1%… so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng là 12.901 chiếc, giảm 7,2% so với tháng trước. Tính đến hết quý II/2022 lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu là 63.731 chiếc, giảm 21,4%, tương ứng giảm 17.352 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 49.050 chiếc, giảm 9,3%, tương ứng giảm 5.004 chiếc; tiếp theo là ô tô tải đạt 8.988 chiếc, giảm 53%, tương ứng giảm 10.138 chiếc; ô tô loại khác là 5.586 chiếc, giảm 27,9%, tương ứng giảm 2.161 chiếc so với cùng kỳ năm 2021. Riêng ô tô trên 9 chỗ ngồi, trong 2 quý/2022, Việt Nam chỉ nhập về 107 chiếc.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong 2 quý/2022 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Inđônêxia, chiếm 75% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 27.427 chiếc, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu từ Inđônêxia là 20.284 chiếc, giảm 12,1%.
Xăng dầu các loại: trong tháng 6 lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 618 nghìn tấn với trị giá là 812 triệu USD, giảm 19,4% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết quý II, Việt Nam đã nhập khẩu 4,81 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là hơn 5 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng và tăng 128,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 2,86 triệu tấn, tăng 8,3%, chiếm gần 60% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 881 nghìn tấn, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 18,3% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 2 quý/2022 tăng ở thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng giảm ở thị trường Malaixia, Thái Lan và Singapo. Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,95 triệu tấn, tăng 104,5%; Trung Quốc là 391 nghìn tấn, tăng 92,3%; trong khi đó nhập khẩu từ Malaixia là 781 nghìn tấn, giảm 45,8%; Singapo là 636 nghìn tấn, giảm 15,8%; Thái Lan là 580 nghìn tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến Bài Phân tích Tình hình xuất khẩu. nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 và 7 tháng năm 2022 sẽ được phổ biến từ ngày 9/8/2022.
Nguồn: Tổng cục Hải Quan
Bài đọc thêm:
- Tổng cục Hải Quan: Sơ bộ XNK hàng hóa Việt Nam (16/6 – 30/6)
- Hội nghị G20: Vấn đề khủng hoảng lương thực có thể tệ hơn Covid
- Làm sao để rau quả Việt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc?
- An toàn thực phẩm – chìa khóa tiếp cận mọi thị trường quốc tế
- Quy định mới về kiểm soát Covid-19 với thực phẩm lạnh NK (TQ)