Ngành hàng tôm xuất khẩu đánh dấu ấn tượng, vượt khó, thắng lợi ngoạn mục năm 2021. Tuy nhiên dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong 2022.
Dự báo thị trường năm 2022 sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành hàng tôm Việt Nam. Tình hình chiến tranh Nga-Uraina đang tác động mạnh đến thị trường nhiên liệu xăng dầu, vật tư nông nghiệp. Trong đó phân bón, thức ăn chăn nuôi và thủy sản sẽ biến động chi phí sản xuất tăng lên. Về mặt nội tại, sau nhiều năm đạt tiến bộ vượt bậc về ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ nuôi tôm tiên tiến, ngành hàng tôm liên tục tăng trưởng, đóng góp vào chuỗi thành tích xuất khẩu của ngành nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những giới hạn, bức bách từ vùng nuôi. Như vậy, đâu là những thách thức phía trước cần phải vượt qua?
Ngày 11/3, tại Sóc Trăng, hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022 do Tổng cục Thủy sản tổ chức.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì và phân tích: Mặc dù vượt qua năm 2021 đầy khó khăn, kết quả sản xuất nuôi tôm năm 2021 về đích đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020. Tuy nhiên ngành tôm cần nhận thấy rằng tôm nuôi giá thành còn cao. Cơ sở hạ tầng, thủy lợi vùng nuôi chưa đảm bảo. Diện tích vùng nuôi tôm quảng canh còn rộng lớn, nhưng công nghệ nuôi tôm, nhất là nuôi tôm quảng canh, tôm lúa năng suất còn thấp, hiệu quả chưa cao.
Qua khảo sát thực tế từ vùng nuôi tôm ở các địa phương cho đến nay vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là tôm giống, tôm bố mẹ còn phụ thuộc phần nhiều vào nguồn nhập khẩu. Khai thác từ tự nhiên trong nước mới chỉ cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp), chi phí giống cao. Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo.
Nhìn về thị trường xuất khẩu tôm năm 2022 dự báo có những tín hiệu tích cực. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong năm 2021 hơn 500 doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu tôm sang 103 thị trường các nước trên thế giới và 97% kim ngạch xuất khẩu tập trung nhóm 8 thị trường chính. Dự báo năm 2022, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA và với thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó thị trường Châu âu xu hướng dự trữ thực phẩm có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu nhưng đi kèm giá thấp và cần thêm thời gian để dự báo tăng đáng kể trong 2022. Nhật là thị trường lớn và là thị trường truyền thống của xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm trong nhiều năm qua. Với kết quả xuất khẩu của 2 tháng đầu năm 2022, thị trường Nhật Bản bắt đầu tăng nhu cầu trở lại, trong đó các nhà cung cấp tôm của Việt Nam vẫn được chọn lựa.
Qua đó dự đoán các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, trừ Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian. Mặt khác, khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng làm tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Chiến tranh Nga-Ucraina tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics sẽ là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm. Do vậy nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp trong năm 2022.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhận định: Qua nhiều ý kiến tham luận từ các cơ quan chuyên ngành trực thuộc Bộ và lãnh đạo các địa phương tại hội nghị, dự báo năm 2022 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành tôm cần phải linh hoạt thực hiện các giải pháp vượt qua thách thức. Đó là diện tích vùng nuôi tôm không thể mở rộng hơn được, kế đến là hạ tầng yếu kém, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và nguyên liệu đầu vào (thức ăn thủy sản), vật tư hóa chất, logistic. Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất.
Tuy vậy, trong khó khăn vẫn có cơ hội để phát triển. Thứ trưởng nhấn mạnh: Tiềm năng dư địa ngành tôm còn rất lớn. Theo dự báo từ VASEP, cơ hội mở ra rất lớn, dự kiến năm 2022 tăng 57% về giá trị, sản lượng tăng 24%, để giải quyết mục tiêu này Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo đồng bộ.
Thứ nhất, xem các yếu tố cấu thành để nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng tôm, cả về giá trị và sản lượng. Về công tác giống phải kiểm tra, kiểm soát chặc chẽ và nâng cao năng lực sản xuất giống. Bởi giống quyết định năng suất, chất lượng. Thứ hai, tìm các giải pháp về nguyên liệu đầu vào cho giá thành thức ăn giảm. Thứ ba, quan trắc, cảnh báo, xử lý bệnh một cách hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng tôm nuôi. Đồng thời kết nối thị trường, có nhiều thị trường hơn và sản phẩm tôm xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi khắt khe từ thị trường.
Theo Báo Nông Nghiệp
Bài đọc thêm:
- Trung Quốc tăng lượng thủy sản: Thách thức mới đối với tôm Việt Nam?
- Giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ giảm sau hơn 5 tháng
- Nhu cầu tôm cỡ lớn tăng mạnh tại phân khúc dịch vụ thực phẩm ở Mỹ