Đáp ứng kiểm tra của Trung Quốc để tăng tốc xuất khẩu sầu riêng
Để triển khai các nội dung của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng XK từ Việt Nam sang Trung Quốc, từ ngày 12/8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cử 25 cán bộ kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói và 104 vùng trồng sầu riêng tại 17 tỉnh của Việt Nam. Dự kiến, quá trình kiểm tra sẽ kéo dài trong 3 tuần. Tuy nhiên, thời gian kiểm tra có thể được thay đổi phụ thuộc vào tình hình thực tế.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 17/8, GACC đã kiểm tra được 55 cơ sở đóng gói, vùng trồng sầu riêng tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: trong 3 tuần, GACC sẽ bố trí 3 đoàn kiểm tra thực hiện đồng thời, mỗi đoàn kiểm tra ít nhất 4 DN/ngày. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào việc tuân thủ các quy định của Trung Quốc như: các biện pháp quản lý sâu bệnh hại tại vườn trồng, cơ sở đóng gói, các biện pháp canh tác, quản lý sau thu hoạch, ghi chép số nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu, các khu bố trí cách ly Covid-19… Kết quả sẽ được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố sau khi kết thúc quá trình kiểm tra.
“Phía GACC kiểm tra rất kỹ, đặt ra nhiều câu hỏi cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Thậm chí, họ còn có những quy định rất mới như ở mỗi vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có một cán bộ kỹ thuật được tập huấn, đào tạo”, bà Hương nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ kỹ thuật phụ trách vườn cây của Công ty Chánh Thu (vườn sầu riêng rộng 12 ha với khoảng 2.400 cây, đã có sản phẩm xuất đi Mỹ, Australia, Nhật Bản) ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, Bình Phước cho biết: dù là trực tuyến nhưng các cán bộ Hải quan Trung Quốc soi kỹ đến từng gốc sầu riêng. Vườn cây của Công ty Chánh Thu được đánh giá rất cao, gần như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đưa ra.
“Do làm bài bản từ trước nên hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi của trang trại đã có sẵn, áp dụng quy trình canh tác an toàn, bài bản, đáp ứng được các tiêu chí của Hải quan Trung Quốc. Các nhà vườn, cơ sở đóng gói cần nghiên cứu thật kỹ quy định của Nghị định thư và hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật; trong quá trình diễn giải phải đảm bảo sự logic, quan trọng là phải làm thật với chất lượng thật”, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ kinh nghiệm.
Địa phương cần quyết liệt hơn
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, để chuẩn bị tốt cho việc kiểm tra từ phía Trung Quốc, tháng 7/2022, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát lại các vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Cũng trong tháng 7/2022, Cục tổ chức 2 khóa tập huấn về triển khai Nghị định thư tại Đắk Lắk và Tiền Giang với sự tham gia của trên 250 học viên, xây dựng bộ tài liệu hoàn chỉnh đối với sầu riêng để làm tài liệu tham khảo cho các tổ chức, cá nhân quan tâm. Do những quy định rất chặt chẽ của Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật cũng có văn bản đề nghị các địa phương vào cuộc, yêu cầu rà soát, làm việc với Sở Y tế về những quy định phòng chống dịch Covid-19 do Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid”.
“Ở những địa phương có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, quá trình triển khai, đáp ứng quy định của Trung Quốc rất tốt. Ví dụ như tại Đắk Lắk, tỉnh có văn bản gửi các địa phương phải vào cuộc cùng nông dân, DN xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Nhờ đó, quá trình đánh giá rất thuận lợi”, bà Hương nói.
Bên cạnh các địa phương tích cực, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng nêu rõ: vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc sát sao, thiếu cán bộ cơ sở để hỗ trợ nông dân, cơ sở đóng gói trong quá trình kiểm tra, đánh giá trực tuyến của Hải quan Trung Quốc. Nhiều nông dân, hợp tác xã chủ quan trong việc thực hiện các quy định của Hải quan Trung Quốc.
Dẫn chứng trường hợp có một số vùng trồng, cơ sở đóng gói của Bình Phước ban đầu hăng hái tham gia đánh giá đợt này, nhưng sau đó lại thấy khó đáp ứng nên rút lui, ảnh hưởng đến quá trình đánh giá chung, gây lãng phí nguồn lực, bà Hương nhấn mạnh: “Các địa phương phải vào cuộc tích cực hơn nữa, đánh giá đúng thực tế của vùng trồng, cơ sở đóng gói, từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với quy định của phía Trung Quốc. Việc đăng ký mã số vùng trồng phải theo chất lượng chứ không chạy theo số lượng, thực sự đạt được thì mới đề nghị đưa vào cấp mã số, kiểm tra”.
Vị này lưu ý thêm, Trung Quốc đánh giá rất cao sầu riêng Việt Nam. Nếu các DN làm ăn bài bản thì đây là cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, nếu phía Trung Quốc phát hiện chỉ 1, 2 lô hàng có vấn đề, nguy cơ mất thị trường rất cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mặt hàng sầu riêng mà còn ảnh hưởng tới nhiều loại nông sản khác, trước mắt là 8 loại trái cây đang tiến hành làm thủ tục ký Nghị định thư sắp tới.
Theo Hải quan Online
Bài đọc thêm: