Trung Quốc mở luồng xanh nông sản 300 tỷ USD cho châu Phi

Sau khi cho phép bơ tươi Kenya chính thức nhập khẩu đầu tháng 8, Hải quan Trung Quốc mới đây đã làm điều tương tự với đậu tương Zambia…

Giới quan sát nhìn nhận, đây là bước đi mới của Bắc Kinh trong chiến lược đa dạng hóa thị trường nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại quốc gia trên 1,3 tỷ dân. Điều này nhằm thực hiện hóa cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc- Châu Phi (FOCAC) vào tháng 11 năm ngoái, nhằm thúc đẩy nhập khẩu nông sản của Châu Phi lên 300 tỷ USD trong ba năm tới.

Bên cạnh việc hứa hẹn tăng số lượng nhập khẩu, ông Tập còn tiết lộ Bắc Kinh sẽ mở “luồng xanh” cho nông sản Châu Phi và cung cấp 10 tỷ USD tài trợ thương mại để hỗ trợ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Quay trở lại việc Trung Quốc chấp thuận cho nhập khẩu mặt hàng khô dầu đậu tương đầu tiên của Zambia, nhằm đa dạng hóa nguồn thức ăn chăn nuôi. Hải quan Trung Quốc cho biết, các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch để đảm bảo chúng không mang “dịch hại đáng lo ngại” lây lan.

Theo đó, các lô hàng phải rõ nguồn gốc xuất xứ, từ các doanh nghiệp chế biến do Bộ Nông nghiệp Zambia khuyến nghị và được các thanh tra viên Trung Quốc chấp thuận. Động thái này có hiệu lực vào ngày 19 tháng 8, sau khi giới chức hai nước ký kết hai nghị định thư vào tháng trước về xuất khẩu khô đậu tương Zambia và cỏ ngọt (stevia) sang thị trường lớn nhất thế giới.

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới về các sản phẩm cây họ đậu, được sử dụng để sản xuất dầu ăn cũng như sữa đậu nành, đậu phụ và nhiều thành phần quan trọng trong chế độ ăn của người Trung Quốc.

Như vậy Zambia là quốc gia Châu Phi mới nhất ký thỏa thuận xuất khẩu nông sản với Bắc Kinh, sau thỏa thuận về bơ tươi của Kenya hồi đầu tháng này. Trong khi đó, các nước khác như Ethiopia, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Rwanda và Nam Phi hiện cũng đang tiến hành xuất khẩu các sản phẩm từ hoa hồng, cà phê, thịt bò, phụ phẩm và trái cây sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Chen Mingjian, Đại sứ Trung Quốc tại Tanzania, nhu cầu nhập khẩu đậu tương châu Phi đã tăng gấp 5 lần hàng năm vào năm ngoái. “Thị trường Trung Quốc rất lớn, chúng tôi mong muốn sẽ nhập khẩu nhiều đậu tương của Tanzania hơn”, ông Chen chia sẻ hôm 1 tháng 8.

Theo tờ SCMP, Trung Quốc hiện là điểm đến lớn thứ hai cho xuất khẩu nông sản của châu Phi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tuần trước cho biết, đã cấp quyền tiếp cận thị trường cho 25 loại thực phẩm và nông sản từ 14 quốc gia châu Phi, bao gồm Kenya, Nam Phi, Benin và Ai Cập.

Dự kiến, bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 tới, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp miễn thuế đối với 98% các mặt hàng chịu thuế có xuất xứ từ 16 trong số các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Hầu hết trong số này nằm trên lục địa châu Phi, bao gồm Eritrea, Djibouti và Rwanda, Togo, Guinea, Mozambique, Sudan, Chad và Cộng hòa Trung Phi cũng có thể được hưởng lợi.

Yike Fu, nhà phân tích chính sách tại hãng Development Reimagined có trụ sở tại Bắc Kinh, đơn vị chuyên tư vấn cho các thương nhân Châu Phi về cách tiếp cận thị trường Trung Quốc cho biết, các dòng thuế mới là một tin tốt.

Trong khi đó, Zhou Yuyuan, thành viên nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Tây Á và Châu Phi tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho biết, các sáng kiến ​​khác nhau của Trung Quốc sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho cả nông sản và hàng hóa phi tài nguyên từ Châu Phi sớm có mặt tại Trung Quốc.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Đáp ứng kiểm tra của Trung Quốc để tăng tốc xuất khẩu sầu riêng
  2. Móng Cái tạm dừng thông quan hàng tinh bột sắn (Lối mở Km 3+4)
  3. Áp thuế chống bán phá giá vật liệu hàn của Trung Quốc, Thái Lan
  4. Lòng sông Dương Tử cạn trơ đáy, Trung Quốc hạn với nắng nóng

Popular Posts

Back To Top