Trung Quốc ra quy định mới đối với mặt hàng nông sản Việt Nam

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, do đó, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản…

Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu.

TS Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản (Bộ NN&PTNT)- cho biết, đến nay Trung Quốc đã công nhận danh sách 748 cơ sở chế biến thuỷ sản, 20 cơ sở xuất khẩu thuỷ sản sống với 48 loài thuỷ sản và 128 loại sản phẩm thuỷ sản được phép xuất khẩu vào nước này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu, vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.

Ông cũng nhấn mạnh, số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản. “Hiện nay Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản đang đề nghị Trung Quốc bổ sung thêm 92 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã đăng ký bổ sung đến thời điểm hiện nay vào danh sách theo quy định tại Lệnh 248”, ông Lê Bá Anh cho biết thêm.

Khẳng định Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, TS. Ngô Xuân Nam đề nghị doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin từ các đầu mối như Văn phòng SPS Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong những năm qua, có rất nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm và Luật An toàn sinh học. Trước đây, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp thông qua đầu mối là Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện nay cơ quan này có thể xem xét, đánh giá hồ sơ trước, sau đó kiểm tra online. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp đang vướng. Do đó, bên cạnh các quy định của Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định ghi nhãn mác sản phẩm, nông sản vào thị trường Trung Quốc… để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nông sản giữa hai quốc gia.

Theo Tạp chí Công Thương

Bài đọc thêm:

  1. Điểm lưu ý để trái cây nhiệt đới Việt Nam tăng cơ hội vào thị trường EU
  2. Thị trường Hà Lan ưa chuộng nông sản và thực phẩm của Việt Nam
  3. Cần chiến lược phù hợp để rau quả, trái cây Việt tiếp cận thị trường Anh
  4. Hà Giang: Hàng xuất khẩu gặp khó do Trung Quốc không nhận hàng

Popular Posts

Back To Top