Sau đà bán tháo tuần trước, giá quặng sắt tại Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi, hướng đến ổn định để duy trì đủ nguồn cung thép…
Chốt phiên giao dịch ngày 25/10 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tăng 1,7% lên 688,50 Nhân dân tệ (tương đương 107,85 USD)/tấn. Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trở lại sau đà bán tháo diễn ra trong tuần trước.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc cũng tăng lên mức 119,08 USD/tấn.
Trong tuần trước, giá thép và giá quặng sắt đã lao dốc khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng GDP quý 3/2021 của Trung Quốc chỉ đạt 4,9%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 7,9% trong quý 2/2021 và thấp hơn so với mức kỳ vọng của giới phân tích. Trong tháng 9 vừa qua, sản lượng thép thô trung bình ngày của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 12/2018. Đồng thời, sự sụp đổ của giá than trên thị trường giao sau Trung Quốc cũng gây tác động tiêu cực đến thị trường.
Tuy nhiên, tâm lý giới đầu tư đã được cải thiện khi tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande Group trả được tiền lãi trái phiếu đến hạn, tạm thời thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Bên cạnh đó, dữ liệu mới nhất cho thấy lượng quặng sắt được Australia và Brazil xuất khẩu sang Trung Quốc trong tuần trước đã giảm xuống. Lượng quặng sắt nhập khẩu tồn trữ tại các cảng của Trung Quốc trong tuần trước chỉ tăng nhẹ lên mức 140,2 triệu tấn. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ hồi tháng 4/2019, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường SteelHome (Trung Quốc).
Ông Atilla Widnell, giám đốc điều hành hãng phân tích thị trường hàng hoá Navigate Commodities (Singapore), cảnh báo “Giá quặng sắt vẫn đang đối mặt với các rủi ro giảm giá chính, gồm sự suy giảm nhu cầu sử dụng thép theo mùa, giá thép và giá các chi phí đầu vào cho sản xuất thép cũng như biên lợi nhuận, và khả năng tăng lên của lượng tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc”.
Thị trường hiện đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung than tại Trung Quốc để đánh giá tác động của giá than đối với hoạt động sản xuất thép. Các dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết La Nina sẽ khiến mùa đông năm nay tại khu vực Châu Á có mức nền nhiệt thấp hơn thông thường, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: