Trung Quốc tăng lượng thủy sản: Thách thức mới đối với tôm Việt Nam?

Đây là câu hỏi được ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đặt ra tại Hội nghị trực tuyến…

Tại Hội nghị trực tuyến “Phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022”, Tổng cục Thủy sản đặt nhiệm vụ trọng tâm đưa kim ngạch xuất khẩu trên 4,0 tỷ USD (tăng 2,56% so với năm 2021).

Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản cũng trích dẫn điều tra của Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA) với điểm đáng chú ý: Sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng khoảng 8,9% so với năm 2020 và dự đoán năm 2022 vẫn tiếp tục tăng, điều này sẽ gây ra những thách thức, tác động rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam.

Cụ thể, cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam trở nên gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm và sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm sẽ gây áp lực lớn cho ngành tôm Việt Nam.

Đánh giá sâu về thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, lần đầu tiên năm 2021, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trên 1 tỷ USD với gần 90.000 tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2020.

Tuy nhiên tổng nhập khẩu tôm của Mỹ từ nhiều nước cũng có kỷ lục mới với 896 ngàn tấn và 8,013 tỷ USD, tăng 20% và 25% tương ứng so với năm 2020. Trong đó, nhập khẩu tôm của Mỹ tăng gấp đôi từ Ecuador và 25% từ Ấn Độ.

Việt Nam có thế mạnh về tôm chế biến, ngược lại với Ấn Độ, Ecuador chiếm thị phần lớn với tôm vỏ và tôm sú lột vỏ.

Theo ông Hòe, năm 2022, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Với sự hồi phục của chuỗi HORECA (khách sạn – nhà hàng – dịch vụ ẩm thực) và với thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.

Thị trường Châu Âu, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu tôm vào EU giảm trong quý III và bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý IV/2021, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ.

Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường Châu Âu bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ,… Tuy nhiên, mức tiêu thụ tại Châu Âu sẽ bị tác động bởi chiến tranh Nga – Ukraina nên phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu và kế hoạch kinh doanh trong tương lai tại thị trường này.

“Xu hướng dự trữ thực phẩm có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu nhưng đi kèm giá thấp. Thị trường Châu Âu cần thêm thời gian để dự báo tăng đáng kể trong 2022”, ông Hòe nhận định.

Đối với thị trường Nhật Bản, đây là thị trường lớn và là thị trường truyền thống của xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm trong nhiều năm. Là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất với giá bán bình quân cao nhất.

Hiện Indonesia và Ấn độ đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm, đặc biệt là tôm sú sang thị trường này. Tuy nhiên tôm Việt Nam vẫn chiếm thị phần cao nhất tại Nhật Bản. Với kết quả xuất khẩu của 2 tháng đầu năm 2022, thị trường Nhật Bản bắt đầu tăng nhu cầu trở lại, trong đó các nhà cung cấp tôm của Việt Nam vẫn được chọn lựa.

Đáng chú ý, tại thị trường Trung Quốc, do bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero COVID”, năm 2021 xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm sâu nhất trong vòng 5 năm nay. Những tháng cuối năm 2021, số liệu cho thấy xuất khẩu tăng mạnh trở lại và tiếp tục duy trì sang tháng 1 và 2 năm 2022.

Năm 2021 Trung Quốc nhập khẩu 611.000 tấn tôm, đặc biệt tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trong đó 50% đến từ Ecuador . Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ 3 của Trung Quốc, cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ.

“Ngày 11/2/2022 Trung Quốc công bố sẽ tăng sản lượng thủy sản lên 66 triệu tấn trở thành nguồn cung cấp protein số 1 cho người dân Trung Quốc. Đây có phải là thách thức mới đối với tôm Việt Nam?”, ông Hòe đặt câu hỏi.

Ông Hòe phân tích: Năm 2022, nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá sẽ tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp. Các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, vấn đề kẹt cảng ở Mỹ dự kiến sẽ giải quyết xong trước tháng 6/202. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian để dự báo.

“Khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng làm tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Chiến tranh Nga-Ucraina tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics sẽ là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm. Dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10-12% và kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD”, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dự báo.

Theo vasep.com.vn

Bài đọc thêm:

  1. Mỹ tạm về vị trí dẫn đầu trong top thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam
  2. Cá tra tận dụng đà phục hồi, chớp cơ hội xuất khẩu mới
  3. Năm 2021, không có lô cá tra bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh
  4. Các chuyên gia cảnh báo: Cẩn trọng với sự tăng giá ảo của cá tra

Popular Posts

Back To Top