Kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc quý I gần 50% cùng kỳ năm ngoái với thị trường cung cấp hàng đầu từ Ecuador, Nga, Việt Nam…
- Đại dịch ảnh hưởng đến nhiều nguồn cung hải sản lớn của Trung Quốc buộc nước này phải nhập khẩu,
- Nga tập trung đảy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.
Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh
Trong những tháng đầu năm nay, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh bất chấp dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca lây nhiễm COVID gia tăng khiến nhiều thủ phủ thủy sản như Quảng Châu, Thượng Hải bị phong tỏa và siết chặt quy trình nhập khẩu thực phẩm…
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu thủy sản của nước này trong quý I năm nay đạt 940.000 tấn, trị giá 4,1 tỷ USD, tăng mạnh 45% về lượng và tăng 49,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh việc đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước, Trung Quốc còn nhập khẩu để chế biến và tái suất trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đang phục hồi mạnh trở lại sau đại dịch COVID-19.
Trong quý I, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ các thị trường chính như Ecuador, Nga, Canada, Việt Nam, Ấn Độ… đều tăng mạnh.
Trong đó, Ecuador vẫn là nhà cung cấp thủy sản lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch đạt 804,2 triệu USD, tăng 73,1% so với cùng kỳ và chiếm gần 20% nguồn cung thủy sản cho Trung Quốc.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 về xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc với kim ngạch đạt 282,1 triệu USD, tăng mạnh 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 7% thị phần nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng 28,2% kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Canada và tăng 31,9% từ Ấn Độ… Đáng chú ý, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ thị trường cung cấp lớn thứ hai là Nga đã tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái lên mức 530,3 triệu USD.
Theo báo cáo của Associated Press, nhờ chế biến thủy sản ở Trung Quốc và luật ghi nhãn xuất xứ tại Mỹ lỏng lẻo, cá minh thái, cá hồi và cá đánh bắt tự nhiên của Nga vẫn được người Mỹ mua, bán và tiêu thụ.
Ngày 11/3, Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nga như một phần của một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này sau khi cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra.
Nhưng các công ty thủy sản của Nga vẫn có thể đưa sản phẩm của họ sang Mỹ bằng cách đi qua Trung Quốc, nơi nhiều hải sản từ vùng biển của Nga đã được chế biến.
Một nghiên cứu năm 2019 của Ủy ban Thương mại Quốc tế cho thấy gần một phần ba số cá đánh bắt tự nhiên được nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc thực sự có nguồn gốc từ Nga. Nghiên cứu cũng cho thấy 50% cá minh thái và 75% cá hồi nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc thực sự là từ Nga.
Theo AP, khi cá được chế biến và xuất khẩu sang Mỹ, nó có thể bị dán nhãn là “sản phẩm của Trung Quốc” vì không cần nhãn xuất xứ của quốc gia, cho phép trốn tránh lệnh cấm nhập khẩu của Nga.
Ở chiều ngược lại, số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, lượng thủy sản xuất khẩu của nước này trong quý I đạt tương đương cùng kỳ năm ngoái là 820.000 tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lại tăng 15,7% lên 5,1 tỷ USD.
Như vậy, ngành thủy sản Trung Quốc xuất siêu khoảng gần 1 tỷ USD trong quý I/2022, thấp hơn con số 1,7 tỷ USD của cùng kỳ.
Cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) ước tính xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm gần chạm mốc 3,6 tỷ USD, cao hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng gấp hơn 2 lần đạt 216 triệu USD. Lũy kế tới hết tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này.
VASEP nhận định Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là trọng lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II/2022.
Với Trung Quốc, COVID bùng phát mạnh và chính sách zero COVID khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc khi nhiều cảng nhập khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra COVID trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe.
Tuy nhiên, vì nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu.
Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc đang gia tăng thu hút nhiều hơn số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang đây bất chấp những thách thức trên.
Theo VASEP
Bài đọc thêm