Mã số vùng trồng là hộ khẩu cho nông sản Việt xuất khẩu, nhưng từ cuối 2019 Quảng Ninh chưa có vùng trồng trọt được cấp mã số mới vì sao?…
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, tiêu chí diện tích đang là một trong những khó khăn lớn nhất cho việc cấp mã vùng trồng.
Cụ thể, yêu cầu đối với diện tích vùng trồng đủ điều kiện để cấp mã số là từ 6-10ha. Áp dụng đối với tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là ở khu vực các huyện miền núi như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… sẽ khó đạt được tiêu chí này.
Bởi lẽ, đây là các huyện có địa hình chủ yếu là đồi núi, người dân sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vốn quen với tập quán canh tác cũ, diện tích còn nhỏ lẻ, chưa tập trung thành vùng trồng để đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, yêu cầu để được cấp mã thì vùng trồng phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng và phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả.
Được biết, đến tháng 12/2019, Quảng Ninh đã có 14 vùng trồng trọt và 5 cơ sở đóng gói được Trung Quốc cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Bao gồm 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 5 cơ sở đóng gói nhãn, vải, thanh long, măng cụt… phục vụ xuất khẩu tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Móng Cái.
Từ khoảng thời gian cuối năm 2019 đến nay, Quảng Ninh chưa có thêm một vùng trồng trọt nào được cấp mã số. Theo ông Nguyễn Trung Thành, bên cạnh yếu tố diện tích thì còn các nguyên nhân khác cần khắc phục.
Đơn cử như về nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa thay đổi tư duy trong công tác sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, khi được yêu cầu rà soát diện tích vùng trồng, khuyến khích các địa phương nộp hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, một số nơi còn thông báo là không có nhu cầu làm.
Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn, các địa phương đó đã thay đổi và tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để hiểu rõ ý nghĩa của việc cấp mã số vùng trồng. Đây là sự chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức người nông dân và địa phương, từ đó tạo định hướng mới trong sản xuất nông nghiệp.
Một lý do khác khiến cho suốt thời gian hơn 2 năm qua Quảng Ninh chưa có vùng trồng được cấp mã số mới là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thị trường giàu tiềm năng Trung Quốc ngừng nhập hàng khiến cho một số cơ sở được cấp mã số vùng trồng, hoặc đang trong quá trình nâng cấp để đạt tiêu chí nhưng không còn mặn mà đầu tư thêm do đầu ra khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp rất cầu thị, mong muốn được cấp mã số vùng trồng. Ông Nguyễn Tôn Quyền (phường Quảng Trung, TP. Uông Bí) đã mở rộng diện tích trồng thanh long hữu cơ từ 5ha lên 6ha để đáp ứng tiêu chí cấp mã số vùng trồng.
Cây thanh long ruột đỏ của ông Quyền đến thời kỳ ra quả có thể cho thu hoạch 9-10 đợt/năm. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 4 tới tháng 12 dương lịch. Trung bình mỗi đợt quả đạt sản lượng từ 3 – 5 tấn, một năm cho thu hoạch khoảng 40 – 50 tấn thanh long. Với giá bán 25.000 đ/kg, mỗi năm vườn thanh long cho thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng.
“Hiện tại, thanh long ruột đỏ của tôi được tiêu thụ tại các siêu thị, chung cư trên địa bàn TP. Uông Bí, Hạ Long và Hà Nội. Sắp tới, tôi sẽ gửi hồ sơ xin được cấp mã số vùng trồng đối với cây thanh long. Vì đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Khi người dùng quét mã có thể biết ngay đây là sản phẩm đến từ đâu, biết được quy trình chăm sóc, nhất là đối với sản phẩm hữu cơ, từ đó tạo sự tin tưởng, an tâm của người tiêu dùng. Tương lai, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng để phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu sản phẩm khi được cấp mã số vùng trồng”, ông Quyền chia sẻ.
Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Mố số quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc. Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm… tại các vùng trồng.
Theo quy định của Trung Quốc, quả tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói quả tươi cho Cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc.
Để đảm bảo xuất khẩu quả tươi thuận lợi, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề nghị UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu
Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với những thị trường xuất khẩu khó tính và là một trong những yếu tố phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tại cửa khẩu, Hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc các lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong các vùng trồng đã được cấp mã số thì sẽ bị từ chối nhập khẩu.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định, việc cấp mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Người dân không phải mất chi phí đăng ký mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, ATTP, kiểm soát sinh vật gây hại. Ngoài ra, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.
Mã số vùng trồng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm: