Không chỉ vận tải hàng không bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa không phận, vận tải đường biển cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi nhiều lí do.
Vào ngày 1/3, con tàu chở dầu NS Champion đang trên đường sang Châu Âu bất ngờ gặp phải tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Con thuyền thuộc sở hữu của Nga này đã may mắn thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ bởi nó đã kịp khởi hành từ trước. Tuy nhiên trong khi lênh đênh trên biển, phía chính phủ Anh thông báo việc cấm các tàu của Nga cập bến, và sớm muộn sau đó sẽ là toàn bộ Châu Âu. Điều này khiến con tàu NS Champion sẽ không thể chở dầu sang Châu Âu được nữa.
Đó là tình cảnh của nhiều tàu chở hàng hiện tại. Tàu Nga bị cấm cập cảng Anh; container hàng hóa chất đống tại các cảng Châu Âu. Chia sẻ với hãng tin Reuter, ông Xue Liangyi, Phó Tổng giám đốc công ty vận tải Shanghai Merchant của Trung Quốc chia sẻ:
“Rất nhiều tàu thuyền đang trên đường vận chuyển buộc phải thương thảo với khách hàng để chuyển địa điểm giao hàng sang khu vực khác như Romania. Còn với những tàu hàng đang bị kẹt lại tại cảng ở Ukraine, có thể hàng hóa sẽ phải chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn”.
Trong khi thế giới đang chật vật tìm cách phục hồi do ảnh hưởng từ đại dịch thì xung đột Nga – Ukraine tiếp tục giáng một đòn mạnh vào các chuỗi cung ứng, làm nghiêm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn vận chuyển, vốn đang vật lộn với việc thiếu container rỗng. Bên cạnh đó, giống như các doanh nghiệp vận tải hàng không, nhiều doanh nghiệp vận tải biển lớn nhỏ cũng thông báo tạm thời ngưng vận chuyển hàng tới Nga và Ukraine vì lo ngại vấn đề an toàn.
Trước đó, vào đầu năm 2022, có một số dự đoán lạc quan khi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên toàn cầu hạ nhiệt, rằng tắc nghẽn giảm sẽ khiến cho các con tàu khai thác hiệu quả hơn, vỏ container dồi dào hơn và qua đó, cước vận tải biển có thể hạ nhiệt, cho dù không giảm xuống mức trước đại dịch nhưng chí ít cũng không ở mức cao như trong năm 2021.
Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine xảy ra khiến cho triển vọng này trở nên mờ nhạt. Ông Lars Jensen, giám đốc điều hành công ty tư vấn hàng hải Vespucci Maritime phân tích: “Nhìn chung, nếu xung đột vẫn chỉ nằm trong khu vực Ukraine thì giá cước vận tải toàn cầu có thể sẽ không tăng hoặc tăng nhẹ. Tuy nhiên khu vực Tây Địa Trung Hải và Nga thì sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi tình hình tắc nghẽn hàng hóa tại đây sẽ ngày một nghiêm trọng.”
Bên cạnh vấn đề tắc nghẽn hàng hóa và chi phí, ngành vận tải biển còn phải đối phó với một vấn đề khác không kém quan trọng, đó là nhân lực toàn ngành. Đối với vận tải biển toàn cầu, những quyết định như thế này có nguy cơ trở thành một vấn đề lớn. Bởi Ukraine và Nga cung cấp 275.000 trong tổng 1,9 triệu thuyền viên làm việc trên các tàu thương mại trên khắp thế giới, lớn hơn cả Philippines, nước cung cấp lao động trong ngành hàng hải lớn nhất thế giới. Riêng Ukraine chiếm 5,4% số chỉ huy thuỷ thủ đoàn trên hơn 74.000 tàu thương mại quốc tế.
Giờ đây, với lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhiều thủy thủ đang trên đường trở về nước. Trong bối cảnh như vậy, các nhà điều hành vận tải biển cảnh báo về nguy cơ thiếu nhân viên chủ chốt giúp thương mại thế giới tiếp tục vận hành.
Công đoàn Công nhân Vận tải biển của Ukraine, ước tính rằng 55 – 60% trong tổng 80.000 thuyền viên của Ukraine (hoặc hơn) đang ở trên tàu, và khoảng 20% trong đó muốn trở về và chiến đấu. Công đoàn đang khuyên họ ở lại vì sự an toàn của bản thân cũng như để duy trì hoạt động logistics toàn cầu.
Có thể thấy, tình hình xung đột càng leo thang thì các chuỗi cung ứng nói chung và ngành vận tải biển nói riêng sẽ càng bị ảnh hưởng, chưa kể đến nền kinh tế 2 nước liên quan, nhất là với Ukraine. Bà Elisabeth Braw, chuyên gia của Viện doanh nghiệp Mỹ nhận định:
“Các khu vực như biển Đen và biển Azov của Nga và Ukraine hiện được đánh giá là quá thiếu an toàn để vận chuyển hàng hóa qua đây. Trong khi Nga vẫn còn các cảng biển khác, thì với Ukraine, xung đột có thể làm tê liệt kinh tế nước này. Lí do bởi ngoài vận tải biển, các phương án khả thi khác qua đường hàng không và đường bộ sẽ ít hiệu quả hơn”.
Còn tại Việt Nam, căng thẳng Nga-Ukraine được giới chuyên gia dự báo tác động đến Việt Nam không quá lớn. Theo tiến sỹ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), căng thẳng Nga-Ukraine không ảnh hưởng quá nhiều nhưng tác động gián tiếp qua giá dầu hay từ những nước áp dụng lệnh trừng phạt với Nga là vấn đề cần được lưu tâm.
Còn theo ông Lê Trường Sơn Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, trước mắt cần tháo gỡ khó khăn về thanh toán do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Các hãng tàu biển có thị phần lớn ở Nga đã ngừng khai thác tuyến vận tải đến nước này, vì thế hoạt động logistic sẽ bị gián đoạn, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và vật tư để sản xuất. Tuy nhiên, ông Lê Trường Sơn cho rằng trong cuộc khủng hoảng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài rời đi, bỏ lại những thị phần có thể tiếp cận.
Theo Vasep
Bài đọc thêm: