VASEP đề xuất gì để xuất khẩu cá ngừ tận dụng được lợi thế FTA?

Hơn 80% nguyên liệu cá ngừ phải nhập khẩu từ các nước chưa có FTA với Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ vẫn chưa tận dụng được các lợi thế từ FTA.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt không thể tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định thương mại (FTA) để tăng sức cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu khác. Nguyên nhân được VASEP chỉ ra là do có hơn 80% nguyên liệu cá ngừ, doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có FTA với Việt Nam.

Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc này của doanh nghiệp hải sản, VASEP cho biết vào cuối tháng 6/2022 Hiệp hội này đã gửi công văn tới Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kiến nghị một số nội dung về quy tắc xuất xứ trong quá trình thực hiện, áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa. Lý do, quy tắt xuất xứ trong các FTA yêu cầu nguyên liệu sử dụng cho chế biến, xuất khẩu phải có xuất xứ thuần túy (tức là nguyên liệu có xuất xứ trong nước) hoặc có xuất xứ nội khối (nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia thành viên FTA).

Nhưng với nguyên liệu hải sản đánh bắt, đặc biệt là cá ngừ thì hơn 80% phải nhập từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có FTA với Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA để tăng sức cạnh tranh so với các nước đối thủ khác.

VASEP cho rằng, để giúp các doanh nghiệp cá ngừ có thể tận dụng tối đa được những lợi thế do các FTA mang lại thì cần mở rộng thỏa thuận về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí chuyển đổi mã số HS. Trong đó cho phép các nước thành viên FTA được sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu bên ngoài khối để sản xuất, xuất khẩu vào các quốc gia trong các khối FTA theo thuế suất ưu đãi như những sản phẩm có xuất xứ thuần túy hoặc xuất xứ nội khối.

Từ đó VASEP đã đề nghị Cục Xuất nhập khẩu xem xét đưa vào nội dung dự kiến thảo luận tại các FTA trong thời gian tới về quy tắc xuất xứ trong quá trình thực hiện, áp dụng quy tắc xuất xứ như: Về cơ chế chứng nhận xuất xứ: cần tiến tới cơ chế cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ để giảm bớt các thủ tục hành chính và đề cao tính trách nhiệm cho các doanh nghiệp; Về hình thức chứng nhận xuất xứ: Sớm triển khai các chứng nhận xuất xứ điện tử, kể cả chứng nhận xuất xứ do doanh nghiệp tự chứng nhận trên hệ thống điện tử chung thông qua chữ ký số của doanh nghiệp; Quy định về xuất xứ hàng hoá: mở rộng thêm tiêu chí xuất xứ hàng hóa để doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài khối FTAs để sản xuất và xuất khẩu vào các quốc gia trong khối FTA; Tiêu chí xuất xứ tại danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR): Cần thiết mở rộng thêm tiêu chí chuyển đổi mã HS.

Theo VASEP, nếu vấn đề được tháo gỡ sẽ giúp các doanh nghiệp hải sản, đặc biệt là doanh nghiệp cá ngừ có thể tận dụng tối đa được những lợi thế do các FTA mang lại.

Theo Công Thương

Bài đọc thêm

  1. Cá ngừ có tốc độ xuất khẩu tăng trưởng cao
  2. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại Canada tăng cao
  3. FTA tạo bệ phóng cho hàng hóa xuất khẩu quốc tế

Popular Posts

Back To Top