Vi nhựa – thủ phạm giấu mặt trong thịt, sữa gây hại cho loài người

Vi nhựa gây ô nhiễm máu và thậm chí tích tụ trong bào thai, các nhà khoa học cho biết chúng có trong thịt, sữa chúng ta ăn hằng ngày…

Theo một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận về môi trường có tên Plastic Soup Foundation, tiết lộ rằng có tới 73% sản phẩm mà họ thử nghiệm có chứa vi nhựa (microplastic)- vật liệu còn tồn lại sau khi nhựa phân hủy. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhựa tồn dư trong thức ăn chăn nuôi có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm.

Các nhà khoa học tại Đại học Vrije ở Amsterdam (Hà Lan) đã phát hiện ra các mẫu vật là hạt nhựa trong 18 trên 25 mẫu sữa được kiểm tra ở nước này. Ngoài ra, có khoảng 7 trong số 8 mẫu thịt bò và 5 trên 8 mẫu thịt lợn được phát hiện có chứa các hạt vi nhựa các loại.

Ngay lập tức hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi đã được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, tất cả 12 mẫu thức ăn dạng viên và thức ăn dạng cám đều tồn dư hạt vi nhựa.

Nghiên cứu mới này căn cứ trên các mẫu hạt siêu nhỏ đã được tìm thấy trong máu, phổi của con người và thậm chí là trong bào thai. Báo cáo đang làm dấy lên những lo ngại thậm chí nghiêm trọng hơn về mức độ ô nhiễm hạt vi nhựa trong chuỗi thực phẩm mà con người đang tiêu thụ.

Các nhà khoa học cho biết, thức ăn chăn nuôi là nguyên nhân chính của vấn đề. Nhóm nghiên cứu tại Hà Lan tin rằng, vi nhựa trong thức ăn chăn nuôi dạng viên là một trong những nguồn phơi nhiễm chính để qua đó các hạt nhựa xâm nhập vào cơ thể động vật. Ngoài ra, các khả năng khác là thông qua đường nước uống và không khí. Và điều này càng làm gia tăng thêm mối lo ngại về tất cả những thứ mà vật nuôi có thể hấp thụ gây ô nhiễm.

Trước đó, vào năm 2021, một công nhân trang trại người Mỹ tên là Emmanuel Moore đã bị sa thải sau khi anh này đăng một video trên nền tảng mạng xã hội TikTok chia sẻ cách chất thải nhựa có thể làm ô nhiễm thức ăn cho lợn.

“Động vật có thể hấp thụ ít nhất một số hạt nhựa mà chúng tiếp xúc hằng ngày trong môi trường sống”, chuyên gia chất độc sinh thái, tiến sĩ Heather Leslie, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Các chuyên gia cho biết, nghiên cứu vừa công bố nên được coi như đóng vai trò như một động lực để chúng ta đánh giá cụ thể và chi tiết hơn về toàn bộ phạm vi phơi nhiễm, cũng như bất kỳ rủi ro nào có thể liên quan đến nó.

Theo đó, việc sản xuất thức ăn chăn nuôi cho động vật không chứa nhựa có thể là một trong những phương cách để cải thiện tình huống phơi nhiễm hoặc tiếp xúc với hạt nhựa cho vật nuôi.

Việc phát hiện các hạt vi nhựa trong một số lượng nhỏ các mẫu đã công bố đã cung cấp dữ liệu có thể được xem như một điểm khởi đầu cho các nghiên cứu quy mô lớn hơn trong thời gian tới. Mục đích cuối cùng là có thể hiển thị được phạm vi và mức độ ô nhiễm của các hạt nhựa trong thức ăn chăn nuôi hiện nay, cũng như có thể điểm danh những loài vật nuôi nào tiêu thụ nó.

Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Dick Vethaak cho rằng: “Câu hỏi lớn hiện nay là điều gì đang xảy ra trong cơ thể chúng ta? Liệu các hạt vi nhựa có được lưu giữ lại trong cơ thể không hay chúng được vận chuyển đến một số cơ quan nhất định? Và những mức độ rủi ro này có đủ để gây ra các bệnh không? Chúng tôi đang cần những nguồn tài trợ để nghiên cứu có thể tiến hành sâu hơn nhằm tìm hiểu một cách chính xác hơn”.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Rồi châu chấu sẽ trở thành món ăn thay thế thịt bò trong tương lai
  2. Nghiên cứu: Nước mưa hiện đại đã không còn an toàn để uống
  3. Nhìn thẳng sự thật san hô bị chết trắng và cần giải pháp bảo tồn
  4. Chiến tranh Thương mại đã tổn thương nông nghiệp Mỹ thế nào?
  5. Đồng Nai: Giữ rừng bằng khu du lịch sinh thái của người Tà Lài
  6. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8

Popular Posts

Back To Top