Dù đã được chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản, nhưng xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang Nhật Bản không thể cạnh tranh tốt…
Sau khi triển khai Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, ngành thủy sản Bình Định, chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định được nâng cao đáng kể thông qua kỹ thuật đánh bắt, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương sau đánh bắt do Nhật Bản chuyển giao.
Thực tế cho thấy, chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định được nâng cao nên mới được thị trường tiêu thụ Nhật Bản chấp nhận. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sau khi Bình Định áp dụng công nghệ đánh bắt, sơ chế, bảo quản mới, chất chất lượng cá ngừ đại dương được nâng cao rõ rệt.
Tuy nhiên, qua những chuyến xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang Nhật bản, đã bộc lộ điểm yếu, dẫn tới thực tế cá ngừ đại dương của Bình Định không thể cạnh được với các nước trong khu vực có xuất khẩu mặt hàng này.
Một nhà chuyên môn về thủy sản ở Bình Định nêu ví dụ: Cá ngừ đại dương của Philippines cũng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ở Philippines, có doanh nghiệp chuyên khai thác cá ngừ đại dương với 20 tàu đánh bắt.
Khi đội tàu đánh bắt ra khơi, sẽ có tàu hậu cần đi kèm. Một chuyến biển của đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của Philippines kéo dài không quá 3 ngày. Đến ngày thứ 3, toàn bộ số cá mà đội tàu đánh bắt đều được vận chuyển về tàu hậu cần để bảo quản và tàu hậu cần lập tức quay về bờ.
Tại cảng, những con cá ngừ đại dương được tàu hậu cần sơ chế và đưa thẳng đến sân bay và ngay trong chiều hôm ấy được lên máy bay đi sang Nhật Bản. Chuyến bay từ Philippines đến sân bay Osaka (Nhật Bản) khoảng 1 – 2 giờ sáng, kịp tham gia phiên chợ đấu giá cá ngừ đại dương tại Kansai vào lúc 3 giờ sáng. Như vậy, cá ngừ đại dương của Philippines xuất khẩu sang Nhật Bản không phải tốn phí lưu kho, bảo quản, được bán ngay nên còn rất tươi.
Trong khi đó, cá ngừ đại dương của Bình Định sau khi cập cảng được BIDIFISCO thu mua, sau đó được đưa về công ty lưu kho mất 1 – 2 ngày rồi mới ra sân bay đưa về TP. HCM. Trong thời gian đợi chuyến bay TP. HCM – Nhật Bản, cá ngừ đại dương của Bình Định phải lưu kho bảo quản tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến 1 giờ sáng hôm sau mới lên máy bay đi sang Nhật.
Đến 4 – 5 giờ sáng, lô cá ngừ đại dương của Bình Định mới đến sân bay Osaka (Nhật Bản). Lúc này, phiên chợ đấu giá cá ngừ đại dương tại Kansai đã tan. Vậy là lô cá ngừ đại dương của Bình Định phải được lưu kho tại sân bay Osaka thêm 1 ngày, để 1 giờ sáng hôm sau được vận chuyển đến Sankai tham gia phiên chợ đấu giá.
Vì những lý do nêu trên, tỷ lệ cá ngừ đại dương được xếp loại 1 của Philippines là 60 – 70%, còn cá ngừ đại dương của Bình Định chỉ đạt 20%.
Bài đọc thêm: