Từ khi kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA), kim nghạch thương mại hai chiều đã đạt được những thành tựu nhất định…
Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Chile trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt những kết quả tích cực. Chile hiện là một trong 4 đối tác thương mại đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil, Mexico và Argentina).
Sau khi VCFTA được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2014 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều. Năm 2020, 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chile đạt 1,03 tỷ USD, tăng 85,3% so với năm 2013 – thời điểm trước khi VCFTA có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đạt 798,64 triệu USD, tăng 221,1% so với năm 2013. Trong khi đó, nhập khẩu năm 2020 đạt 231,27 triệu USD, giảm 24,6% so với năm 2013. Trước khi VCFTA có hiệu lực, Việt Nam luôn nhập siêu từ Chile, tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã luôn duy trì xuất siêu sang Chile.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù khó khăn do dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả khả quan với 1,27 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile tăng 44% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chile cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Paolo Conero – một nhà nhập khẩu từ Chile, doanh nghiệp của ông đã nhập khẩu hàng hóa từ hơn 20 quốc gia và Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng. Ông cho biết, nhờ có Hiệp định VCFTA, bắt đầu từ 5 năm trước, doanh nghiệp này đã tìm kiếm các đối tác của Việt Nam. Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile giúp đỡ, doanh nghiệp này đã kết nối và nhập khẩu hạt điều – một mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
“Hạt điều của Việt Nam có kích cỡ và chất lượng rất tốt, ngang ngửa với chất lượng hạt điều của Brasil” – ông cho hay.
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – nhận xét: “Trong những năm đầu tiên khi chúng ta bắt đầu thực hiện VCFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã có tốc độ bứt phá rất mạnh. Đây là biểu hiện doanh nghiệp đã tận dụng tốt những ưu đãi từ hiệp định“.
Hiện, Việt Nam có thế mạnh trong việc xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa như: Máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng, nguyên vật liệu cho ngành dệt may…
Theo Báo Công Thương