Việt Nam được hưởng rất nhiều lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do

Hiệp định Thương mại tự do chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới cho Việt Nam…

Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021. Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi từ UKVFTA cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước trong quá trình thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) về phòng vệ thương mại.

Thông tư nêu rõ, đối tượng áp dụng là cá cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam có thẩm quyền điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại để thực thi Hiệp định UKVFTA; các thương nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến việc điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại để thực thi Hiệp định UKVFTA.

Bên cạnh đó, theo một số quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BCT, biện pháp tự vệ song phương là biện pháp tự vệ đặc biệt được quy định tại Điều 99 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 3.10, Chương 3 Hiệp định EVFTA đã được đưa vào thành quy định Hiệp định UKVFTA, áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA nhập khẩu vào Việt Nam, theo các điều kiện và thủ tục điều tra quy định tại Thông tư này.

Ngoài ra, Thông tư cũng đề cập đến giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2030; ngành sản xuất trong nước trong điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ song phương là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Việc xác định tỷ lệ chủ yếu của đại diện ngành sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP. Cơ quan điều tra là Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, do đó khi UKVFTA có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đặc biệt, dư địa tăng trưởng thương mại của cả hai nước còn rất lớn bởi hiện nay kim ngạch xuất khẩu của mỗi nước đều mới chiếm dưới 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước còn lại. Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 5,04 tỷ USD, chiếm 0,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh, trong khi đó xuất khẩu của Anh sang Việt Nam trị giá gần 700 triệu USD, chiếm gần 0,3% tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Công Thương tổng hợp, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, kim ngạch hai chiều đã tăng lên nhanh chóng sau khi Hiệp định có hiệu lực tạm thời từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2,88 tỷ USD, tăng 29,36% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 411,21 triệu USD, tăng 21,33% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cổng thông tin điện tử báo Công Thương

Bài đọc thêm:

  1. Bộ Tài chính phản hồi về việc sửa đổi biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi
  2. Mỹ ban hành kết luận về chống bán phá giá đối với sợi PTY của Việt Nam
  3. Việt Nam chính thức phê duyệt Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN
  4. Gấp rút đăng ký sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc

Popular Posts

Back To Top