Việt Nam: “Thức tỉnh” để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Theo các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần “thức tỉnh” để tái cơ cấu sản xuất, thay đổi phương thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc Trung Quốc đóng cửa, gây khó với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã xảy ra nhiều năm nay và liên tục. Việc đặt xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi vào Trung Quốc ở mức độ quá cao (70-80%) nên tự nó đã gây rủi ro, vi phạm quy luật của thị trường là không “đặt tất cả trứng vào một giỏ”. Trong khi chúng ta đặt quá mức và kéo dài trong nhiều năm.

Nhưng động thái đáng mừng trong nước, theo bà Lan, đó là các cơ quan nhìn nhận khá rõ vấn đề này và đang tỏ ra cố gắng khắc phục dài hạn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra những phương châm, cách thức làm mới, quyết tâm thay đổi lại cách làm nông nghiệp.

Không chỉ vậy, tại diễn đàn Mekong Connect 2021, đã lần đầu hội tụ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về bàn việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và với tất cả các ngành liên quan phục vụ nông nghiệp như chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế.

“Đã có những động thái, Việt Nam đã tính lại cách làm về lâu dài,… đây chính là điều vô cùng quan trọng để khắc phục những rủi ro của thị trường hiện nay. Chúng ta chấp nhận sự trả giá với thị trường Trung Quốc để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, xác lập lại thị trường quốc tế của Việt Nam”, bà Lan nhấn mạnh.

Ông Thắng bình luận thêm, về phương tiện, từ bỏ xuất khẩu theo container, theo đường bộ sang đường sắt, đường thủy là việc không hề đơn giản, đòi hỏi chúng ta cần có những biện pháp công nghệ bảo quản nông sản trong thời gian dài. Điều này chúng ta đã làm được nhưng cần làm mạnh hơn.

Bên cạnh đó, cần đổi mới ngay từ trong nội bộ quá trình sản xuất nông nghiệp, theo hướng các doanh nghiệp có uy tín, có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm làm hạt nhân, xung quanh là các hợp tác xã, hộ nông dân. Chúng ta đã làm được điều này như với mặt hàng sữa, từ chỗ không có gì ở thị trường Trung Quốc, nhưng với cách làm của Vinamilk, TH True Milk, chúng ta đã làm được điều này.

Đặc biệt, theo ông Thắng, người nông dân phải sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu… Điều này chúng ta cũng đã làm được nhưng cần nhân rộng trên toàn quốc.

Đơn cử, như với vải thiều Lục Ngạn, từ chỗ vụ nào cũng “giải cứu”, nhưng từ năm ngoái chúng ta đã thay đổi cách làm, vải thiều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nên vải thiều đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính.

Về thị trường, chúng ta cần mở rộng sang các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc, như các thị trường có FTA với Việt Nam là CPTPP, RCEP, EVFTA… Cùng với đó, sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo các cam kết trong các FTA mà chúng ta đã ký kết. Căn cứ vào những cam kết trong các FTA để điều chỉnh lại sản xuất nông nghiệp. Một khi sản phẩm Việt Nam đủ tiêu chuẩn vào EU, Mỹ thì đương nhiên dễ dàng vào được thị trường Trung Quốc.

Một vấn đề quan trọng nữa, ông Thắng cho rằng, cho đến nay chúng ta chưa có một khảo sát hay nghiên cứu nào về sản phẩm Việt Nam trong thị trường Trung Quốc. Từ trước tới nay, chúng ta chỉ đưa sản phẩm thô lên cửa khẩu rồi chuyển sang phương tiện vận chuyển phía Trung Quốc.

“Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần tập trung nghiên cứu sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Cần biết sản phẩm của chúng ta được tiêu thụ như thế nào, giá cả ra sao, phục vụ đối tượng nào, khối lượng bao nhiêu, người tiêu dùng Trung Quốc có ưa chuộng sản phẩm đó không… để thể hiện trên các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch”, ông Thắng đề xuất.

Theo vneconomy.vn

Bài đọc thêm:

  1. Nguy cơ tái ùn tắc xe chở nông sản lên cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn
  2. Lạng Sơn: Nông sản xuất Trung Quốc lại có dấu hiệu ùn tắc sau Tết
  3. Hơn 300 xe nông sản được xuất khẩu qua Lạng Sơn trong dịp Tết

Popular Posts

Back To Top