Việt Nam trên đà thành trung tâm sản xuất toàn cầu mới

Hãng tin Sputnik của Nga nhận định Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Theo Sputnik, xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều mặt hàng “Made in Vietnam” ngày càng hiện hữu với số lượng, thị phần lớn trên trường quốc tế.Tâm thế, vị thế của hàng hóa Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Năm 2021, thu hút FDI của Việt Nam vẫn đạt nhiều tín hiệu tích cực. Với nhiều dự án FDI đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD trong năm 2022. Cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam.

Ngoài “gã khổng lồ” Samsung, Nokia hay Intel, vừa qua hàng loạt dự án sản xuất được công bố của các tập đoàn lớn hay được ủy quyền như Foxconn, Pegatron (chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện cho Apple), Wistron, LEGO cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, tập đoàn Nike vẫn đặt niềm tin và lạc quan với chuỗi cung ứng không còn bị đứt đoạn.

Thành công của một số hãng lớn tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020.

Mức kỷ lục này trở thành “kỳ tích” của nhóm sản phẩm này từ trước đến nay của Việt Nam. Năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ đạt 2,3 tỷ USD. Đến nay kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đã tăng 25 lần lên mức trên 57 tỷ USD.

Đi đầu tạo nên thành công này của Việt Nam chính là Tập đoàn Samsung, theo Sputnik. Doanh thu Samsung Việt Nam năm qua xấp xỉ mức 20% GDP. Samsung Việt Nam năm 2021 đạt doanh thu 74,2 tỷ USD, tăng 14% và kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2020.

Bên cạnh điện thoại, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất của Nike.

Hãng tin CNBC dẫn báo cáo tài chính của tập đoàn chuyên về sản phẩm thể thao hàng đầu thế giới Nike cho biết năm 2021 Việt Nam sản xuất cho Nike chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng. Qua từng giai đoạn, tỷ lệ xưởng sản xuất ở Việt Nam của Nike không ngừng tăng lên.

Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở Việt Nam.

Lợi thế của Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam đang tạo môi trường đầu tư hấp dẫn như: nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị, xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.

Doanh nghiệp FDI tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra đã giảm bớt.

Bên cạnh đó, những thành công ban đầu đã là tiền đề, kéo theo sự phát triển kinh tế. Với môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cùng các điều kiện khuyến khích thương mại. Việt Nam dần khẳng định mình và trở thành điểm sáng thu hút FDI.

Theo VTV.vn

Bài đoc thêm:

  1. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 đạt 9,2 tỷ USD

  2. Việt Nam: Tăng cường quảng bá thủy sản tại Pakistan

  3. 10 thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất đều tăng mua cao su Việt Nam

 

Popular Posts

Back To Top