Vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy đã có những tiến triển ban đầu quan trọng, thậm chí, bán được 17 container có giấy tờ.
Không mất một container hạt điều nào
Ông Nguyễn Đức Thanh – Tham tán công sứ Việt Nam tại Italy – cho biết, thông qua công ty môi giới của Việt kiều ở Mỹ, có 5 doanh nghiệp (DN) Italy ký kết hợp đồng mua với 6 DN Việt Nam tổng cộng 100 container hạt điều (tương đương 20 triệu USD); trong đó, đã có 74 container rời khỏi Việt Nam để sang Italy. Hiện nay, có 35 container mất kiểm soát do bộ chứng từ gốc và 39 container còn chứng từ gốc.
Với 39 container còn chứng từ gốc, nếu chưa tới cảng ở Italy, sẽ giao ngược trở lại Việt Nam. Trường hợp đã tới cảng ở Italy, các chứng từ gốc có thể xử lý tiếp được, đổi người sử dụng, người nhận hàng cuối cùng. Cụ thể, trong số 39 container còn bộ chứng từ gốc, DN đã bán được 17 container, trong đó, đi Hà Lan 10 container, Thổ Nhĩ Kỳ 3 container, Thụy Điển 2 container và vào thị trường Italy 2 container; 12 container đang đàm phán giá cước để chở về Việt Nam. Như vậy, còn 10 container có bộ chứng từ gốc cần xử lý tiếp.
Chủ động “phòng hơn chống”Ông Nguyễn Đức Thanh cũng cho biết thêm, trong số 35 container mất chứng từ gốc, đã có Công ty C.N Srl ở Napoli (trong nhóm 5 công ty Italy) phản hồi, email cho luật sư với nội dung không biết việc có người đứng tên công ty mình làm với Việt Nam và email bảo đảm (PEC) từ chối nhận lô hàng 9 container để hãng tàu trả lại quyền sở hữu cho người bán. Theo thông lệ quốc tế, công ty Việt Nam vẫn phải đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng hơn 100% trị giá container mới thực sự giành lại được sở hữu nên vẫn khó khăn lớn cho DN. Cùng đó, 3 container đã được đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng, DN đã cho lên tầu về lại Việt Nam. 23 container mất chứng từ đang được xử lý tiếp…
Để xảy ra vụ việc này, Thương vụ Việt Nam tại Italy cho rằng, do DN Việt quá tin vào công ty môi giới. Tất cả 6 DN xuất khẩu điều Việt Nam đều ký qua môi giới, không biết khách hàng ở nước ngoài là ai, không gặp và cũng không liên hệ trực tiếp, đến khi “sự đã rồi” mới đến gặp Thương vụ để xác minh, kiểm tra.
Thực tế, chưa đầy một tháng kể từ khi vụ việc phát sinh, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã đi hàng nghìn km, từ phía Bắc đến cực Nam của Italy để kiểm tra các DN nhập khẩu Italy này. Kết quả, 5 DN này hầu hết là DN rất nhỏ, mặc dù có đăng ký với các phòng thương mại – nơi đăng ký DN, có mã số thuế, nhưng không thể tìm được chủ DN. Thậm chí, có DN đã không hoạt động 5 – 10 năm…
Trong vụ việc này, có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân là do phương thức thanh toán. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thanh, việc ký hợp đồng, hình thức thanh toán nhờ thu trả ngay (D/P) là phương thức quốc tế; vấn đề là áp dụng cho khách hàng nào, thực hiện ra sao? “Cần yêu cầu đối tác đặt cọc 10 – 30% giá trị hợp đồng. Khi có tiền chuyển đặt cọc, DN mới bắt đầu tiến hành sản xuất, thu gom” – ông Nguyễn Đức Thanh khuyến nghị.
Có thể nói, đây không phải là lần đầu tiên tình trạng lừa đảo ngoại thương mới xảy ra mà đã diễn ra ở khắp các nước trên thế giới. Bài học rút ra, DN xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán; cần xác minh tìm hiểu đối tác kinh doanh. “Nếu không đủ điều kiện thuê tư vấn, 2 – 3 DN có thể tập hợp lại, thuê chung 1 tư vấn cho quá trình kết nối, đàm phán, giao dịch và thực hiện hợp đồng” – ông Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương
Bài đọc thêm: