Xây dựng kế hoạch bài bản xuất khẩu rau quả sang Mỹ, EU

Để XK rau quả bền vững, cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do,…, đồng thời tăng XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc…

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) trả lời phỏng vấn:

XK rau quả những năm gần đây cũng như tháng đầu tiên của năm 2022 ghi nhận kết quả khá tích cực. Điều gì đã giúp XK rau quả Việt Nam duy trì mức độ tăng trưởng ổn định, thưa ông?

Những năm gần đây, XK rau quả liên tục đạt trị giá trên 3 tỷ USD. Có được kết quả như vậy là do khâu sản xuất, chất lượng hoa quả của Việt Nam đảm bảo được yêu cầu của các nước NK. Chất lượng hoa quả của Việt Nam rất tốt, đặc biệt do đặc điểm thời tiết khí hậu, Việt Nam có hoa quả 4 mùa phục vụ XK. Với việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, trong đó có tái cơ cấu ngành rau quả, phát triển tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, đầu tư vào khoa học công nghệ cũng như sự vào cuộc của các DN, Việt Nam đã phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất rau quả.

Dù Việt Nam đã quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm XK đi nhiều thị trường như Mỹ, Australia, EU…, song nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường XK rau quả hàng đầu với thị phần áp đảo. Dường như bài toán phụ thuộc vào một thị trường vẫn chưa có lời giải thoả đáng, thưa ông?

Việt Nam có rất nhiều thị trường XK rau quả. Tuy nhiên, mặt hàng quả chủ yếu XK quả tươi là chính. Do vậy, Việt Nam mở cửa được thị trường song cũng phải tính toán chi phí. Ví dụ, khi vận chuyển hàng hoá bằng máy bay trong thời gian ngắn có thể đưa hàng sang EU hoặc Mỹ, song giá cả lại không cạnh tranh được. Bên cạnh đó, để đưa hàng vào thị trường EU, Mỹ… yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe hơn.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, XK rau quả tháng 1/2022 đạt 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12/2021, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.Trước đó, năm 2021, XK rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020; trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, đạt 1,9 tỷ USD, chiếm đến 53,7% tổng kim ngạch XK. Dự tính, nếu tốc độ tăng trưởng XK được giữ vững thì mục tiêu XK 3,8-4 tỷ USD trong năm 2022 có thể thành hiện thực.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường cực kỳ quan trọng với cách tiêu thụ, tiêu dùng về quả khá giống Việt Nam. Thời gian vận chuyển hàng hoá sang Trung Quốc ngắn, chi phí rẻ. Tôi cho rằng rất lâu nữa, Trung Quốc vẫn là thị trường rất quan trọng của rau quả Việt Nam nói riêng, của nông sản Việt Nam nói chung.

Điểm quan trọng ở đây là cần XK sang Trung Quốc theo chính ngạch. Năm 2021, trong tổng lượng hoa quả XK sang Trung Quốc chỉ 3% XK theo chính ngạch. Ví dụ với mặt hàng thanh long dù đã được phép XK chính ngạch song gần như Việt Nam vẫn chủ yếu XK tiểu ngạch. Các DN vẫn có xu hướng thích XK tiểu ngạch bởi khi XK tiểu ngạch DN có những lợi ích nhất định. Theo chính sách 2 bên, những sản phẩm XK qua đường tiểu ngạch sẽ được miễn thuế khoảng 7-8%; thời gian vận chuyển thông quan nhanh.

Thời gian tới, cần tăng cường XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giảm hiện tượng ùn ứ do XK tiểu ngạch. Muốn vậy, bản thân các DN cần thay đổi tư duy, thay đổi phương thức; phải cùng với địa phương dẫn dắt, hướng dẫn, yêu cầu người nông dân sản xuất theo đúng tiêu chí, yêu cầu XK chính ngạch của Trung Quốc để sản phẩm rau quả Việt Nam XK sang Trung Quốc có giá bán cao hơn.

Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng trong XK nông sản nói chung, rau quả nói riêng của Việt Nam trong nhiều năm tới. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề thúc đẩy XK sang các thị trường lớn khác?

Bên cạnh chú trọng XK chính ngạch sang Trung Quốc, đương nhiên Việt Nam cũng cần tiếp tục mở cửa các thị trường khác, không thể “bỏ hết trứng vào 1 giỏ”. Cần nghiên cứu áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm sao có những giống sản phẩm có thể có thời gian bảo quản lâu hơn; đồng thời áp dụng công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản để có thể kéo dài thời gian bảo quản giúp vận chuyển rau quả bằng đường sắt, đường biển nhằm giảm chi phí giá thành. Làm được điều này mới giúp rau quả Việt cạnh tranh được với các mặt hàng tương tự tại thị trường các nước EU, châu Mỹ; từ đó cân bằng được các thị trường XK như Mỹ, Australia, EU và Trung Quốc.

Để nâng cao giá trị hàng hoá XK sang các thị trường Mỹ, EU… cần có những bước đi, kế hoạch bài bản, tận dụng được lợi thế khi Việt Nam tham gia các FTA. Trong đó, DN phải đóng vai trò dẫn dắt. Bản thân DN phải thay đổi, người dân phải thay đổi cùng với sự đồng hành của cơ quan quản lý chuyên môn của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương. Thay đổi ở đây là thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm, có trách nhiệm hơn trong XK hàng hoá chứ không chỉ tập trung XK tiểu ngạch, phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

Ngoài yếu tố thị trường, xin ông cho biết, thời gian tới cần làm gì để đẩy mạnh vấn đề chế biến, bảo quản rau quả cũng như xây dựng thương hiệu, giúp rau quả Việt ngày càng tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế?

Các nhà máy chế biến sản phẩm quả của Việt Nam hiện nay có công nghệ rất hiện đại, không thua kém gì EU hay Mỹ. Tuy nhiên, nghiên cứu về vấn đề bảo quản của Việt Nam còn nhiều hạn chế; thiếu nghiên cứu bảo quản một cách bài bản từ trước khi thu hoạch đến khi thu hoạch và sau thu hoạch để làm sao kéo dài thời gian bảo quản, hàng hoá có thể XK bằng đường biển, đường sắt nhằm tăng giá trị, tăng tính cạnh tranh mở rộng thị trường… Việc mở cửa được thị trường chỉ là ban đầu. Phát triển mở rộng kinh doanh như thế nào là vấn đề cần có các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các DN tích cực tham gia trong thời gian tới.

Tương tự, việc xây dựng và quảng bá, phát triển thương hiệu phải bắt đầu từ các DN tạo ra các sản phẩm của mình bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu tạo dựng được thương hiệu thì hàng hoá sẽ có giá trị cao hơn nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Popular Posts

Back To Top