Xây dựng quy trình thủ tục bám sát hướng triển khai hải quan số

Xây dựng quy trình thủ tục bám sát hướng triển khai hải quan số

Rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hải quan là nội dung quan trọng để triển khai Hải quan thông minh, Hải quan số…

Tích cực hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ

Thời gian qua, triển khai xây dựng các bài toán nghiệp vụ theo Đề án Hải quan số, Hải quan thông minh, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã chủ trì xây dựng các bài toán nghiệp vụ hải quan theo định hướng Hải quan số, Hải quan thông minh, trong đó chủ trì chỉ đạo và trực tiếp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: phối hợp rà soát và hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ; sơ đồ hóa quá trình nghiệp vụ theo định hướng hải quan thông minh; mô tả các bước thưc hiện; xây dựng chức năng để xây dựng hệ thống; xây dựng mô hình; xây dựng yêu cầu và báo cáo phê duyệt các bài toán nghiệp vụ hải quan.

Đến nay, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã cùng với các đơn vị báo cáo lãnh đạo Tổng cục, báo cáo Bộ Tài chính trên 90 bài toán nghiệp vụ hải quan với tổng số trên 15.000 chức năng (bao gồm cả chức năng mới và các chức năng của các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại chuyển lên).

Hiện đơn vị đang chỉ đạo và cùng các nhóm tiếp tục rà soát hoàn thiện chi tiết các bài toán, chức năng của Hệ thống công nghệ thông tin mới và báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan kế hoạch triển khai rà soát hoàn thiện các yêu cầu bài toán nghiệp vụ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số trong thời gian tới.

Ngoài ra, trên cơ sở thực tế triển khai hiện nay đơn vị đã triển khai đánh giá các tính năng ưu việt của hệ thống VNACCS/VCIS để nghiên cứu, đưa vào trong bài toán tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan; chỉ đạo rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Hải quan trên tinh thần triển khai Hải quan số đảm bảo cơ sở pháp lý và quy trình, thủ tục triển khai được Hải quan số trong thời gian tới. Hiện đang rà soát nhu cầu trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan để báo cáo về quy hoạch hệ thống đồng bộ, kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan trình lãnh đạo Tổng cục; đồng thời, tiến hành nghiên cứu ứng dụng các phương pháp quản lý hải quan hiện đại như: phương thức quản lý hải quan theo chuỗi, theo định danh trên nền tảng Hải quan số đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu…

Cụ thể hóa mục tiêu Hải quan số trong xây dựng cơ chế, chính sách

Song song, với việc xây dựng bài toán nghiệp vụ, hiện nay việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Hải quan cũng bám sát tinh thần triển khai Hải quan số. Một trong những văn bản đó là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP; Nghị định 59/2018/NĐ-CP, được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tích cực hoàn thiện trình Chính phủ ban hành trong thời gian qua.

Nghị định được sửa đổi, bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình Hải quan thông minh, Hải quan số gắn với triển khai Đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể ngành Hải quan và Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 trên cơ sở quản lý tập trung, ứng dụng thành tựu công nghệ mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, tạo thuận lợi thương mại, khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu hải quan với các bên liên quan.

Các quy định tại Nghị định đảm bảo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá các khâu nghiệp vụ hải quan; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), quản lý chuỗi khối (Blockchain), Kết nối vạn vật (IoT),…) trong công tác quản lý hải quan, tiến đến xây dựng mô hình Hải quan thông minh.

Tinh thần chuyển đổi số được thể hiện rõ nét trong các điều khoản tại dự thảo Nghị định. Chẳng hạn, về thủ tục hải quan, tại dự thảo Nghị định sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 25 quy định việc tạo lập và gửi hồ sơ hải quan qua hệ thống phù hợp với mô hình hải quan điện tử (chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số hóa). Theo đó, khi khai hải quan người khai hải quan thực hiện nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số hóa đến cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã có trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan không phải nộp cho cơ quan Hải quan. Trường hợp phải nộp bản chính chứng từ thuộc hồ sơ hải quan thì người khai hải quan phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính cho cơ quan Hải quan.

Hay quy định về thủ tục hải quan đối với tàu biển nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về đăng ký thông tin chung về tàu biển xuất nhập cảnh với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý để khi triển khai Hệ thống hải quan số sẽ thiết kế theo hướng hỗ trợ tự động kiểm tra thông tin về phương tiện vận tải khi người khai hải quan khai báo hồ sơ tàu biển xuất nhập cảnh. Qua đó ngăn chặn việc khai trùng, khai sai thông tin với từng lần xuất nhập cảnh mà thực tế hiện nay đang xảy ra; việc này còn đảm bảo hỗ trợ trong công tác đánh giá rủi ro, kết xuất báo cáo về tình hình hoạt động của từng con tàu xuất nhập cảnh; hỗ trợ người khai hải quan (Hãng tàu/đại lý hãng tàu/Công ty Logistics) giảm số lượng các chỉ tiêu phải nhập liệu tại các Bản khai do khi khai chỉ cần nhập theo số quản lý phương tiện vận tải duy nhất (số IMO) để Hệ thống xuất ra dữ liệu chung đã lưu trữ trước đó. Đồng thời, tạo cơ sở dữ liệu điện tử về các tàu biển có hoạt động xuất nhập cảnh trên toàn quốc thông qua Hệ thống nhằm: Hỗ trợ cơ quan Hải quan tại bất kể thời điểm nào cũng có thể theo dõi/thống kê lịch sử hoạt động của từng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.

Để triển khai mô hình quản lý Hải quan thông minh, dự thảo Nghị định bổ sung quy định thủ tục hải quan đối với các loại hình phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa thực hiện trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (hệ thống dịch vụ công trực tuyến); trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp sự cố thì người khai hải quan và cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục giấy. Trước mắt, khi Nghị định có hiệu lực thi hành thì các thủ tục này sẽ thực hiện trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; về lâu dài, cơ quan Hải quan sẽ xây dựng bài toán nghiệp vụ để thiết kế trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo ứng dụng được các công nghệ thông tin hiện đại vào trong công tác quản lý hải quan.

Theo Hải quan Online

 

Bài đọc thêm:

  1. Thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc
  2. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan Thuế
  3. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
  4. Từ cuối 2019, Quảng Ninh chưa được cấp thêm mã số vùng trồng
  5. Sầu riêng, cơ hội, thách thức – Một HTX nông nghiệp số đầu tiên
  6. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8

Popular Posts

Back To Top