Xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 1 năm nay, cao gấp hơn hai lần mức tăng dự đoán của giới phân tích.
- Hoạt động logistics và chuỗi cung ứng được hàn gắn tạo thuận lợi cho Trung Quốc.
- Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng sản lượng và năng suất xử lý tại cảng biển và sân bay.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng hai con số trong tháng Năm, một dấu hiệu đáng khích lệ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi các nhà máy hoạt động trở lại và những vấn đề trong hoạt động logistics giảm xuống sau khi chính phủ nới lỏng một số biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 tại Thượng Hải.
Xuất khẩu tháng Năm của Trung Quốc đã tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng Một năm nay, và cao gấp hơn hai lần mức tăng dự đoán 8% của giới phân tích. Trước đó, xuất khẩu chỉ tăng 3,9% trong tháng Tư.
Trong khi đó, nhập khẩu tăng 4,1%, cao hơn mức dự đoán 2%, đánh dấu lần đầu tiên nhập khẩu tăng trong ba tháng qua. Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại 78,76 tỷ USD trong tháng trước, cao hơn dự đoán 58 tỷ USD và mức thặng dư 51,12 tỷ USD trong tháng Tư.
Ông Zheng Houcheng, Giám đốc Viện nghiên cứu chứng khoán Yingda, cho biết trong tháng Năm, hoạt động logistics và chuỗi cung ứng đã được hàn gắn, vì thế về mặt cung, các yếu tố không thuận lợi từng đè nặng lên tăng trưởng xuất khẩu trong tháng Tư đã được tháo gỡ nhiều, khiến xuất khẩu gia tăng. Nhưng theo ông Zheng, dù vượt dự đoán nhưng đà tăng trong nhập khẩu vẫn cho thấy nhu cầu trong nước còn ảm đạm.
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng Tư đã bị “bóp nghẹt” bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất của nước này kể từ năm 2020. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến nhiều con đường cao tốc và cảng biển bị tắc nghẽn, và nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Để ổn định tình hình, Quốc vụ viện đã kêu gọi các địa phương vực dậy chuỗi cung ứng, phục hồi tăng trưởng kinh tế và hạn chế thất nghiệp. Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn đã gia tăng sản lượng trong tháng Năm và công suất xử lý hàng hóa tại các cảng biển và sân bay đang tiến gần hơn về mức trước khi phong tỏa.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố gói 33 biện pháp từ tài khóa, tài chính, đầu tư đến các chính sách công nghiệp, nhưng giới phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm nay khó có thể đạt được nếu không bãi bỏ chính sách “Không COVID.”
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý 1/2022 đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giới phân tích dự đoán tăng trưởng trong quý này sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng phong tỏa ở Thượng Hải. Thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế còn cảnh báo nguy cơ suy thoái đang gia tăng./.