Xuất khẩu dệt may nhanh chóng đáp ứng thay đổi quy định từ EU
EU là thị trường xuất khẩu dệt may hàng đầu của Việt Nam, hiện ngày càng đưa ra các quy định cụ thể, khắt khe đối với các mặt hàng này…
Là một trong những thị trường XK dệt may hàng đầu của Việt Nam, EU ngày càng coi trọng vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tối đa những tác động tới môi trường, từ đó đưa ra các quy định cụ thể, khắt khe hơn với hàng NK. DN dệt may cần đặc biệt lưu ý những thay đổi, linh hoạt đáp ứng nhằm ngày càng khai thác tốt hơn thị trường này.
Chuyển từ “luật mềm” sang “luật cứng”
Mới đây, Thụy Điển và 7 quốc gia khác là Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Luxemburg, Na Uy, Tây Ban Nha và Áo đã ký thư kêu gọi Uỷ ban châu Âu (EC) ấn định thời gian các hoá chất nguy hiểm phải được loại bỏ dần khỏi các sản phẩm tiêu dùng.
Thụy Điển và các quốc gia này nhấn mạnh, các sản phẩm như đồ dùng trẻ em, đồ chơi, mỹ phẩm, đồ nội thất và quần áo hiện vẫn được phép chứa các hoá chất có thể gây hại cho sức khoẻ, đặc biệt là thai nhi và trẻ em. Do đó, đề xuất về các quy định mới liên quan đến kiểm soát hoá chất mà EC dự định đưa ra vào đầu năm 2023 phải có lệnh cấm rộng rãi đối với các chất này để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ nhất.
Hiện nay, thị trường EU ngày càng chú trọng vào phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết: vào cuối tháng 3/2022, EC đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới của EU. Đồng thời, EC đã trình bày bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái, nhằm đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau, bao gồm cả quần áo và giày dép. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, trong khi ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau.
Tại EU, tính trung bình tiêu thụ hàng dệt may đứng thứ tư trong các ngành có tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu; đứng thứ ba trong việc tiêu thụ nước và sử dụng đất. Ngoài ra, hiện có xu hướng sử dụng hàng dệt may trong thời gian rất ngắn trước khi vứt bỏ. “Do vậy, EU đã thay đổi cách tiếp cận đối với các thách thức về tính bền vững bằng việc loại bỏ các “luật mềm” như hướng dẫn quốc tế để chuyển sang các “luật cứng” như quy định và chỉ thị có tính ràng buộc pháp lý”, bà Thuý nói.
Theo Chiến lược Dệt may, các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa, sau đó được tái sử dụng. Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa và thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng.
Quy định thiết kế sinh thái cuối cùng phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024.
Nỗ lực “xanh hoá”
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội, môi trường. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải.
Dệt may, da giày Việt Nam là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có tăng trưởng XK tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua. Do đó, bà Nguyễn Hoàng Thuý lưu ý, các DN dệt may, da giày cần nghiên cứu và đổi mới theo các xu thế, quy định trên, thậm chí phải “đi tắt, đón đầu” các xu hướng nhằm bứt phá XK.
Trên thực tế, trước khi thị trường EU có những động thái mới, quy định chặt chẽ hơn, các DN trong ngành dệt may cũng đã chủ động nâng cao ý thức, nỗ lực hướng tới một nền sản xuất “xanh hoá”.
Ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: đa số DN dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Các DN cũng đang chuyển đổi sản xuất, đáp ứng cam kết toàn cầu và yêu cầu pháp luật của EU, điển hình như Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (LkSG) của Đức có hiệu lực vào năm 2023, yêu cầu phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ, chịu trách nhiệm rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ: May 10 là đơn vị đầu ngành, có uy tín trên các thị trường. Với chương trình “xanh hoá”, một mặt DN luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Bên cạnh đó, DN cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng NK khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…
“Hiện nay, toàn bộ hệ thống của nhà máy May 10 về XK đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ mới May 10 cũng đang phấn đấu. Ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ. Đó là điều May 10 đang tập trung rất nhiều”, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.
Tương tự, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ thêm: các DN dệt may cũng phải bỏ không ít chi phí đầu tư để đáp ứng yêu cầu “xanh hoá” dệt may như đầu tư điện áp mái, đầu tư hệ thống tiết kiệm nước hoặc tái sử dụng nước trong các nhà máy. Đặc biệt, với những nhà sản xuất làm đồ jean hoặc nhà dệt nhuộm, DN sẽ phải đảm bảo hoá chất sử dụng an toàn, có quy trình xử lý nước thải, tiết kiệm nước tối đa…
Theo Hải quan Online
Bài đọc thêm:
- Hưng Yên: Nhãn sắp thu hoạch bị ngập úng khiến dân phải lo lắng
- Thương vụ Việt Nam tại Úc: nhãn Việt Nam được đánh giá cao
- Chuyển hướng xuất khẩu khi cá ngừ Việt lao dốc tại thị trường EU
- Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8
- Trung Quốc nhận hàng chậm, chủ hàng Việt giảm giá tinh bột sắn
- Đón tàu trên 8.000 TEU cập cảng Cái Mép-Thị Vải – tuyến PVCS