Những tín hiệu tốt từ Philippines và châu Phi, gạo Việt nên tập trung thị trường trọng điểm, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối.
- Gạo Việt Nam lại nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
- Tập trung vào các thị trường bền vững.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam do Nhịp sống kinh doanh phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ được tổ chức tại Cần Thơ ngày 22/6 .
Ông Phạm Quang Diệu – Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, Công ty Agrimonitor cho biết, trong 5 – 7 năm, xuất khẩu gạo có tiến triển lớn, phân khúc gạo trung bình khá Việt Nam đã được khẳng định. Thương nhân Thái đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam, nhất là loại gạo thơm và Thái Lan có thể để mất thị phần vì giá gạo thơm Thái Lan quá cao.
Theo thống kê, giá gạo xuất khẩu Việt Nam không tăng trong 3 năm qua, giá thế giới tương tự. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ không cao so với trước đây. Lý do là dự báo năm 2023, tồn kho gạo vẫn lên tới 180 triệu tấn, cao hơn 2019, 2020.
Nhận định về giá gạo của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thị trường thế giới, ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng giám đốc Tân Long Group cho biết, bức tranh thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam lâu nay vẫn thường được so sánh với đối thủ Thái Lan. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Việt Nam có các giống gạo đa dạng, có gạo ngắn, gạo tròn với nhiều chủng giống mà Thái Lan, Campuchia không có. Tương tự, nhiều giống gạo dài Thái Lan, Campuchia cũng không có. Nhưng, có điểm chung về thị trường xuất khẩu là Philippines.
Đặc biệt, tại Việt Nam các giống gạo thơm rất đa dạng. Gạo thơm đang thâm nhập các thị trường mới. Một số thị trường mới tại châu Phi như Ghana rất thích loại gạo này của Việt Nam, kể cả tấm. Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan về giá gạo ST24. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều gạo ST21 của Việt Nam, giá gạo ST21 cũng từng rất cao, giá gạo japonica cũng cao hơn gạo dài.
“Tôi cho rằng mỗi loại gạo đều có thị trường riêng. Nếu gạo Việt Nam có bán cao hơn hay thấp hơn gạo Thái Lan hay 20-30 USD cũng là bình thường”, ông Nguyễn Chánh Trung nói.
Cũng theo ông Nguyễn Chánh Trung, tùy thuộc vào thời điểm thu hoạch của người nông dân thì sẽ đánh giá được mức độ lợi nhuận của bà con nông dân. Còn khi đã vào kho tạm trữ thì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Trung, bên cạnh giá xuất khẩu gạo đang ổn định, ngành gạo Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc giá phụ phẩm như cám hay trấu đều tăng, liên quan đến đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mặc dù xuất khẩu gạo đạt nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá, ngành gạo vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông. Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, năm 2021 các thị trường xuất khẩu gạo ổn định như Philippines, Trung Quốc, trong khi Indonesia và Malaysia giảm mạnh, cho thấy thị trường Đông Nam Á chúng ta trông cậy chủ yếu ở thị trường Philippines. “Chúng ta nói doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, cạnh tranh với Thái Lan nhưng cần suy nghĩ lại. Có những sản phẩm Thái Lan làm mình không có và ngược lại, người tiêu dùng dùng sản phẩm nào thì sản phẩm đó ổn định. Như thị trường Philippines họ thích ăn gạo Việt hơn. Vậy Việt Nam ổn định thị trường này. Không phải mở rộng thị trường nào mà quan trọng thị trường bền vững”, ông Đỗ Hà Nam khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Diệu – Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, Công ty Agrimonitor cho rằng, để vào thị trường cao cấp rất khó khăn bởi tiêu chuẩn khắt khe và việc đảm bảo chất lượng đồng đều không dễ. Để gạo Việt đi vào thị trường Mỹ, Nhật, EU đều phức tạp. Ngoài ra, trong 4-5 năm, gạo thơm Việt Nam có tín hiệu xuất khẩu tốt, vào Philippines, sang châu Phi. “Đây là gợi ý cho chúng ta, nên tập trung vào thị trường trọng điểm, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối tốt thay vì lan man đi nhiều thị trường như hiện nay”, ông Phạm Quang Diệu lưu ý.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến vấn đề xây dựng thương hiệu, bà Bùi Kim Thùy – Chuyên gia kinh tế hội nhập đánh giá, sự khơi thông của thị trường xuất khẩu gạo nằm ở hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, an ninh lương thực, hạn ngạch, thuế quan… Việt Nam vẫn phải chịu biện pháp phòng vệ, thuế suất đặc biệt là Trung Quốc.
Theo bà Thùy, doanh nghiệp Việt có vẻ còn thiếu ý thức làm thương hiệu trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra, cần lưu ý đến phòng vệ thương mại. Ví dụ ngành mật ong Việt xuất khẩu vào Mỹ, có nguy cơ bị áp thuế 500%. Lý do đưa ra là Việt Nam chưa vận hành theo kinh tế thị trường, sử dụng biện pháp so sánh giá với thị trường tương đương.
Vị chuyên gia này lưu ý, khi xuất khẩu gạo số lượng lớn, trong thời gian ngắn vào một thị trường nào đó, Việt Nam có thể chịu nhiều rủi ro về thuế quan. Gạo là sản phẩm nhạy cảm nên các hàng rào thương mại là nguy cơ.
Theo Công Thương
Bài đọc thêm