EU đang tăng nhập khẩu hồ tiêu từ thị trường Việt Nam nhưng vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang là rào cản của hồ tiêu Việt.
- EU tăng nhập khẩu hồ tiêu từ thị trường Việt Nam.
- Cần nắm vững các thông tin, yêu cầu từ thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 xuất khẩu hồ tiêu sang EU đạt 130,5 triệu USD, tăng 47% so với năm 2020. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam chiếm 29,75% trong tổng giá trị nhập khẩu của EU, cao hơn so với 25,98% trong năm 2020. Còn theo Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong quý I/2022, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho EU, chiếm 33% tỷ trọng với 8.278 tấn, tăng vọt 34,6% so với cùng kỳ.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, hồ tiêu Việt Nam hiện chiếm 45% tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu của thị trường EU, ở chiều ngược lại thị trường EU chiếm 23,7% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam.
Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có mặt hàng hồ tiêu và gia vị khi 100% dòng thuế của gia vị tại Chương 9 được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Việc này giúp hồ tiêu Việt có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Brazil và Indonesia.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của EU tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hồ tiêu Việt Nam gia tăng thị phần ở thị trường này.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mang lại, thị trường này cũng đặt ra không ít thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bởi các biện pháp phi thuế quan ngày càng được kiểm soát nghiêm ngặt, trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt để thực thi Hiệp định EVFTA. Hồ tiêu Việt Nam cũng chưa đủ sức cạnh tranh so với các đối thủ. Thương hiệu hồ tiêu Việt vẫn còn khá mờ nhạt tại thị trường EU. “Hàng rào lớn nhất của ngành hồ tiêu ở thị trường EU là tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Nội dung của hai tiêu chí này ngày càng nhiều và chặt chẽ hơn”, bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo TS. Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông sản tại EU rất có giá trị. Ví dụ, 4 quả cà chua bán tại một siêu thị ở Geneva, Thụy Sĩ có giá khoảng 200.000 đồng, hoặc 1kg vải thiều có giá lên tới 500.000 đồng. Vấn đề nằm ở chỗ, làm thế nào và bao giờ nông sản Việt có thể “thâm nhập sâu” vào thị trường này.
Cùng theo ông Ngô Xuân Nam, một trong những rào cản lớn nhất của nông sản Việt khi đưa vào EU đó là các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Với tư duy sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún của người dân, khả năng kiểm soát vấn đề này khó triệt để.
Nguyên nhân bởi, dư lượng thuốc có thể xuất hiện khi người dân sử dụng chung các bình pha chế thuốc; hoặc lan theo gió, nước, đất từ ruộng bên cạnh; thậm chí chưa cập nhật kịp danh sách mới nhất mà EU ban hành. Do đó, để giải quyết một cách căn cơ, việc quan trọng là phải nâng cao nhận thức, bắt đầu từ những người trực tiếp sản xuất là nông dân hiện tại, sau đó là những nông dân công nghệ cao tương lai.
Theo các chuyên gia, hiện thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gia vị nói chung và hồ tiêu nói riêng khi thực thi Hiệp định EVFTA còn ở xuất xứ hàng hóa và áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).
Đáng chú ý, thông tin về chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) theo cơ chế REX – sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2022. Sau thời điểm này, bắt buộc tất cả doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU phải áp dụng Quy tắc xuất xứ theo EVFTA nếu muốn xác định xuất xứ của lô hàng xuất khẩu.
Khẳng định cơ hội và tiềm năng vẫn còn rất lớn cho doanh nghiệp ngành gia vị Việt Nam tại thị trường EU, bà Sibylle Bachmann – Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng, để tiếp tục tham gia vào các thị trường cao cấp như EU thì tiêu chuẩn không chỉ là bền vững mà còn là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển các cây gia vị có một vai trò rất quan trọng.
Đặc biệt là có những quy định mới của thị trường EU về các tiêu chuẩn bền vững hoặc các tiêu chuẩn kỹ thuật mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm được các thông tin và yêu cầu của thị trường, đây là những điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. “Các doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay cần tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu thị trường để đưa ra những quyết định về xuất khẩu phù hợp nhất”, bà Sibylle Bachmann khuyến nghị.
Ông Keiji Taniguchi – Tổng giám đốc Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà – đánh giá, nếu Việt Nam không quản lý chặt chẽ thuốc trừ sâu và chất lượng sản phẩm thì không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. Đây cũng là điều mà chúng tôi muốn nhắn nhủ đến bà con nông dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện, đã có hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ và hướng dẫn cách tra cứu mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) do châu Âu quy định thông qua hệ thống tra cứu phiên bản tiếng Việt và sẽ được cập nhật liên tục ngay khi châu Âu có thay đổi hoặc quy định mới. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, bà Hoàng Thị Liên cho hay, dự kiến, hệ thống này sẽ được Hiệp hội triển khai miễn phí cho các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội trong thời gian tới.
Theo Công Thương
Bài đọc thêm