Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị kẹt tại các cảng biển

Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn chưa được cấp mã số, khiến nhiều lô hạt điều, cà phê vẫn đang nằm kẹt tại cảng

Năm 2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”.

Hai lệnh này có hiệu lực từ tháng 01/2022. Thực thi những Lệnh mới này, tất cả nông sản thực phẩm phải được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số hàng hóa cho từng sản phẩm của từng doanh nghiệp thì mới  được xuất khẩu vào nước này.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết mỗi sản phẩm xuất khẩu vào thị trường nước này được cấp một mã. Như vậy, một doanh nghiệp có thể được cấp nhiều mã sản phẩm.

Từ đó đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã thực hiện các thủ tục đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc trên Hệ thống một cửa thương mại quốc tế.

Theo văn bản của SPS Việt Nam vừa gửi Đại sứ quán Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc đáp ứng quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tính đến ngày 08/02/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

NHIỀU DOANH NGHIỆP VẪN CHƯA ĐƯỢC THÔNG QUAN

Tuy nhiên, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội Ngành hàng nêu lên các vướng mắc gặp phải. Cụ thể, vào tháng 01/2022, một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hạt điều đã có kiến nghị về việc doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/11/2021, đã có đơn hàng, đã làm các thủ tục mở tờ khai hải quan, đã đăng ký xuất tàu… nhưng đến nay vẫn chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt danh sách doanh nghiệp và cấp mã sản phẩm.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp phản ánh đã nộp hồ sơ đăng ký với Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/11/2021 theo hướng dẫn tại Công hàm số 353 ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đã có đơn hàng, đã thông quan tại cảng xuất khẩu của Việt Nam, đã có tờ khai hải quan trước ngày 01/01/2022, hiện các lô hàng đang tại cảng của Việt Nam nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.

Nhiều lô hàng hạt điều, cà phê hiện kẹt tại cảng do chưa được Trung Quốc cấp mã số nên chưa được thông quan. Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi các hiệp hội đề nghị tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Trước thực tế này, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu các lô hàng nêu trên vì doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký đúng quy trình hướng dẫn.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra hồ sơ của 07 mã sản phẩm không thuộc thẩm quyền quản lý của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); đề nghị cấp lại mật khẩu cho doanh nghiệp và mật khẩu cho cơ quan thẩm quyền của Việt Nam là Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Để đảm bảo không làm gián đoạn thương mại nông sản giữa hai nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy việc cấp mã sản phẩm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam đã đăng ký qua cơ quan thẩm quyền trước và sau ngày 01/11/2021, có giải pháp xử lý các vướng mắc nêu trên”, Văn bản của SPS Việt Nam nhấn mạnh.

Theo vneconomy.vn

Bài đọc thêm:

  1. Lạng Sơn: Nông sản xuất Trung Quốc lại có dấu hiệu ùn tắc sau Tết
  2. Điều kiện để sầu riêng rộng đường xuất khẩu chính ngạch
  3. Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với xuất khẩu chính ngạch?

Popular Posts

Back To Top