Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp vùng Tây Nguyên dần thích nghi với những tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu.
Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đã lập kỷ lục mới, đạt gần 49 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020. Đáng chú ý, có 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD bao gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su.
Khu vực Tây Nguyên, dù gặp phải khó khăn chưa từng có trong lịch sử, nhưng các địa phương cũng đã tận dụng được lợi thế từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp vượt khó vươn lên.
Xuất khẩu cao su năm 2021 đạt 1,93 triệu tấn, đem về 3,24 tỷ USD. Bên cạnh việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của xuất khẩu cao su trong năm qua còn đến từ việc cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng, giúp doanh nghiệp cao su vùng Tây Nguyên phục hồi, tạo đà phát triển trong năm 2022.
Cùng với cao su, một nông sản chủ lực khác ở vùng Tây Nguyên là cà phê. Trong năm qua, xuất khẩu cà phê cả nước đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so năm 2020. Đáng chú ý, việc tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA đã giúp doanh nghiệp ngành cà phê xuất khẩu ổn định.
Ngành nông nghiệp cho rằng, phải xây dựng được chiến lược xuất khẩu cho từng mặt hàng nông sản, tổ chức sản xuất theo xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới, xây dựng được đồng hộ hệ thống logistics, xuất khẩu nông sản mới đảm bảo bền vững, từ đó mới tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua các cơ quan tại châu Âu thông tin thường xuyên về thị trường, quy định pháp lý, mở ra cho chúng ta một cơ hội lớn”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong năm 2022, các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên xác định phải nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu, tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm về kinh tế, xã hội và môi trường.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, các DN vùng Tây Nguyên xác định nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng bằng cách tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu.
Theo VTV.vn
Bài đọc thêm: