Dư địa xuất khẩu rau quả sang thị trường EU rất lớn, muốn tận dụng được cơ hội thị trường, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy…
- 8 tháng đầu năm 2021, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU tăng mạnh
- Cần nâng cao tiêu chuẩn hàng Việt nếu muốn có sức cạnh tranh tại thị trường khó tính
- Các doanh nghiệp Việt cần phối hợp nhiều hơn để tăng sức ảnh hưởng tại nước ngoài
Sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm rau-củ-quả tại các quốc gia khu vực Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và tìm hướng xuất khẩu.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU đạt 88,5 triệu Euro, trong đó, sản phẩm tươi tăng 7,7%. Các loại trái cây Việt xuất khẩu sang EU gồm: thanh long, chanh leo, dừa, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt, chanh không hạt…
Theo các chuyên gia, tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm; sản phẩm chế biến tăng hơn 30%. Quy định thủ tục đối với sản phẩm thực vật của EU theo hướng hậu kiểm, khác với quy định một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, thời gian qua, chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng cải thiện, có khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường…
Đánh giá tổng quan về xuất khẩu nông sản, rau quả nói chung sang các thị trường, trong đó có thị trường EU, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nguyên nhân do Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có FTA với EU. Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất nhiều loại rau quả vào EU giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Mặt khác, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới, trị giá 135 tỷ Euro/năm, chiếm 45% giá trị thương mại mặt hàng rau quả toàn cầu. Các nước EU đang trong quá trình phục hồi rất mạnh mẽ.
Không chỉ vậy, cơ cấu kinh tế và nhu cầu nhập khẩu giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ cho nhau. Các nước EU ngày càng có nhu cầu cao đối với các loại rau quả nhiệt đới của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, mặt hàng rau củ quả của Việt Nam dù được đánh giá là có nhiều lợi thế song chưa tận dụng được cơ hội nên thị phần tại khu vực EU vẫn hết sức mờ nhạt.
Tại Tọa đàm chuyên đề trực tuyến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group cho biết, thị trường EU chấp nhận nhập khẩu rau, củ, quả Việt Nam không cần qua đàm phán. Tuy nhiên, điểm bất lợi ở chỗ, thị trường này lại không có đại diện kiểm dịch tại Việt Nam để kiểm soát chất lượng xuất đi nên doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, bởi hàng rào kỹ thuật của thị trường EU rất nghiêm khắc.
“Kinh nghiệm khi đưa hàng hóa nông sản, nhất là các mặt hàng rau củ quả vào thị trường EU phải hết sức coi trọng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi loại trái cây, rau củ quả khi xuất khẩu vào EU có luật riêng, quy định riêng, do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý rất kỹ để tránh những vi phạm không đáng có”, ông Nguyễn Đình Tùng khuyến cáo.
Khẳng định rau quả xuất khẩu sẽ không có chỗ đứng ở châu Âu nếu không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Trung Kiên, Đại sứ Việt Nam tại Áo nhấn mạnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường là những vấn đề người dân EU ngày càng coi trọng và đòi hỏi cao.
“Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn trong bảo quản thực phẩm khi xu hướng cơ bản vẫn là sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng phương pháp bảo vệ cây trồng, chống côn trùng phi hóa chất là vấn đề lâu dài cần chú trọng thúc đẩy hơn trong thời gian tới”, ông Kiên chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Italy thông tin, quốc gia này là thị trường nhập khẩu hoa quả khá lớn song tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1%.
Để xuất khẩu được trái cây vào Italy nói riêng, thị trường EU nói chung theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ công tác quảng bá còn nhiều việc phải làm. Một trong số đó là cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành như Công Thương, Nông nghiệp, Ngoại giao, các địa phương, doanh nghiệp để tham gia vào các hội chợ hoa quả lớn ở EU, tiếp cận được cách quảng bá rau quả.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông sản Việt Nam được thị trường châu Âu đón nhận là điều rất đáng mừng, tuy nhiên, số lượng xuất khẩu vẫn còn rất ít. “Nông sản Việt mới chỉ nằm trong cửa hàng nhỏ lẻ của người châu Á chứ chưa vào được hệ thống phân phối lớn của châu Âu. Do vậy, có thể thấy, dư địa cho sản phẩm nông sản Việt tại thị trường này vẫn còn rất lớn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đã đến lúc, các doanh nghiệp không nên đi một mình, không tự mở đường nữa. “Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Chúng ta phải xem xét việc thành lập một khối các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu. Cần một chiến lược tổng thể về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu, đề ra những chiến lược dài hơi 5 năm – 10 năm hoặc lâu hơn nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: