Tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt gần 301 triệu USD tăng 0,3% so với tháng 12/2021 và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit), xuất khẩu rau quả tháng 1/2022 tăng trưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1 đạt 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12/2021
Hoạt động xuất khẩu được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán. Những lô hàng xuất bán được duy trì đã góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng.
Ngay từ mùng 3 Tết, những chuyến hàng xuất khẩu đi Trung Quốc đã được ra quân. Nhiều xe container chở chuối, thanh long,… đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là tin vui cho ngành rau quả Việt Nam bởi trước đó phía Trung Quốc thông báo sẽ nghỉ Tết dài ngày. Điều này khiến cho giao thương gặp nhiều trở ngại, ách tắc hàng hóa kéo dài.
Đa dạng hóa thị trường
Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Cơ cấu hàng rau quả xuất sang các châu lục năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, thì châu Á giảm.
Trong 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020. Tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.
Thay đổi cơ cấu thị trường
Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, năm 2021 cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển tích cực.
Cụ thể, trong khi chủng loại hàng quả và quả hạch giảm tỷ trọng xuất khẩu, thì chủng loại sản phẩm chế biến lại tăng. Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tăng 1,5% so với năm 2020.
Dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm.Nhờ đó các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến.
Vnfruit dự tính, xuất khẩu có thể đạt 3,8-4 tỷ USD với đà tăng trưởng được giữ vững.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng
Trong đó, dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam. Nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Hoa Kỳ… đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, vì vậy hàng rau quả của Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt, bên cạnh đó nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc cũng tương tự của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ sản phẩm trong nước.
Phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, tăng xuất chính ngạch. Đồng thời đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch.
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực thi. Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển.
Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc. Nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như gián đoạn hoạt động xuất khẩu.
Theo Báo đầu tư
Bài đọc thêm: