Xuất khẩu sang Mỹ giảm kéo theo giảm đà tăng trưởng ngành gỗ

Ngành gỗ cần tận dụng các Hiệp định thương mại để gia tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc. Ví dụ ngành gỗ với Hoa Kỳ…

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành nói chung trong 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó.

Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh). Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Hoa Kỳ khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này giảm tốc. Khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

“Cụ thể, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong 7 tháng năm 2022 đạt 5,56 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm là nguyên nhân chính làm giảm đà tăng trưởng của ngành gỗ”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nói.

Trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường lớn nhất giảm, trị giá xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực châu Á lại tăng trưởng khả quan trong 7 tháng năm 2022.

Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,16 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 1 tỷ USD, tăng 23,1%; tới Hàn Quốc đạt 602 triệu USD, tăng 12,7%; tới Malaysia đạt 92,1 triệu USD, tăng 38%…

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN… để gia tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường.

Theo Hải quan Online

 

Bài đọc thêm:

  1. Sản phẩm mây tre của Việt Nam thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn
  2. Thị trường yếu, nguyên liệu thiếu – chế biến gỗ Việt gặp khó khăn
  3. Cơ chế tự xác nhận để gỗ dán Việt Nam được loại trừ áp thuế Mỹ
  4. Hoa Kỳ sẽ áp thuế gỗ dán có lõi nguyên liệu là ván bóc Trung Quốc
  5. Thị trường Mỹ chiếm gần 31% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
  6. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8

Popular Posts

Back To Top