Trung Quốc đang xây tường rào toàn tuyến biên giới nhằm giám sát chặt chẽ xuất khẩu tiểu ngạch, thúc đẩy hàng hóa theo đường chính ngạch…
Trung Quốc – thị trường xuất khẩu quan trọng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu toàn cầu, thì Trung Quốc với ưu thế là thị trường lớn của Việt Nam nên xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường này là điểm sáng về tăng trưởng.
Ông Nguyễn Đình Đại – Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn nhận định, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Một số mặt hàng hoa quả xuất khẩu chủ yếu qua Lạng Sơn như thanh long đạt 480 ngàn tấn, xoài đạt trên 325 ngàn tấn, mít trên 355 ngàn tấn…
Giám đốc Nguyễn Đình Đại cho biết, Lạng Sơn là địa bàn trung chuyển hàng hóa của cả nước, gồm 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện chỉ có 4/12 cặp cửa khẩu đang thực hiện thông quan hàng hóa nhưng hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn ra sôi động.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2021 đạt 3,452 tỷ USD, tăng 52,7% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt 1,090 tỷ USD tăng 11,2%. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 920 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Với nhu cầu nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Trung Quốc đang gia tăng đã góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản trong nước phục hồi sau những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Cùng quan điểm này, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 ra thế giới mà còn là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam với các sản phẩm nông sản và thực phẩm.
Minh chứng cho những quan điểm trên, tại Tọa đàm trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai dẫn chứng số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng của năm 2021, thương mại hai chiều giữa 2 nước đạt trên 186,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu 112,8 tỷ USD và xuất khẩu hơn 7,3 tỷ USD.
Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD, xếp thứ 7 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đang nhập khẩu khoảng 2,5 ngàn tỷ USD hàng hóa/năm, riêng nông sản nhập khoảng 180 tỷ USD/năm.
Ông Phạm Sao Mai cho rằng, chính sách nhất quán và định hướng xuyên suốt của Trung Quốc trong 10-15 năm tới là tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các kênh nhập khẩu, nhất là từ các nước láng giềng.
“So với các nước láng giềng khác, Việt Nam với vị trí sát sườn Trung Quốc có lợi thế lớn nhất về vị trí địa lý cả ở đường bộ, đường biển và đường hàng không. Đây là thị trường rất lớn, rất tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai dự báo.
Nhanh chóng thay đổi phương thức xuất khẩu
Dù tiềm năng xuất khẩu nông phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức.
Cụ thể, tháng 4/2021 Tổng cục hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248, 249 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2022 tới đây. Do đó, doanh nghiệp và nhà quản lý cần đảm bảo thích ứng với những yêu cầu mới.
Đánh giá về vấn đề này, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, Lệnh 248 và 249 không phải là điều quá mới với một số doanh nghiệp mà là những yêu cầu phù hợp với xu thế của cả thế giới mà ngay cả Việt Nam cũng đang áp dụng.
Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh, Lệnh 248,249 phù hợp với vị thế của một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với yêu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được cung cấp bởi các doanh nghiệp có năng lực, uy tín và chất lượng. Là một quốc gia giàu có, không thể nào họ tiêu dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo về yêu cầu an toàn thực phẩm…
“Đây cũng là quy định đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo và phát đi cảnh báo từ rất nhiều năm trước và doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tiếp tục có quan hệ giao thương với thị trường Trung Quốc”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khuyến cáo.
Thông tin cụ thể về Lệnh 248, ông Tô Ngọc Sơn cho biết, đối với Lệnh này, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.
Trong khi đó, Lệnh 249 gồm các nội dung: yêu cầu đánh giá sự phù hợp; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…
Như vậy thị trường Trung Quốc đã, đang và sẽ không còn chỗ cho chúng ta tiếp tục “con đường” cũ. Xu thế kiểm tra, thúc đẩy hàng hóa đi theo con đường chính ngạch là không thể đảo ngược.
Trung Quốc đang xây tường rào trên toàn tuyến biên giới với những đường mòn, lối mở… nhằm giám sát chặt chẽ xuất khẩu tiểu ngạch. Đồng nghĩa với việc xuất khẩu của chúng ta theo hình thức thương mại tiểu ngạch ngày càng bị thu hẹp lại.
Hơn nữa hiện Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới đang tiến hành kiểm tra, xét nghiệm SARS-CoV-2 với bao bì thực phẩm, trái cây, thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào nước này. Không còn cách nào khác, nếu muốn xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam phải quản lý chất lượng sản phẩm của mình theo đúng quy định của nước sở tại.
Mặt khác, ông Tô Ngọc Sơn cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên đăng tải các thông tin về sự thay đổi của thị trường lên Cổng thông tin của Bộ. Đồng thời, xuất bản nhiều cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc; tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về các thay đổi về chính sách của thị trường nước bạn…
Không những vậy, Bộ Công Thương cũng có một hệ thống thương vụ, chi nhánh thương vụ tại 4 địa phương: Bắc Kinh, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và hai văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và Hàng Châu để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định, các Bộ, ngành chỉ có thể hỗ trợ, còn các doanh nghiệp cần phải chủ động có sự thích ứng với thay đổi của thị trường. Đồng thời, sự vào cuộc của các địa phương cũng rất quan trọng.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: