Tại Việt Nam, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu khá nhiều sang Trung Quốc, tuy nhiên chủ yếu là xuất tiểu ngạch…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hàng năm hơn 16%.
Dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt 809.000 tấn, trị giá 4,13 tỷ USD. Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc chủ yếu từ Thái Lan.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Việt Nam vẫn chưa đạt được Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng với Trung Quốc.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – cho hay, nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đã kết thúc từ năm 2020. Trước đó, cơ quan chức năng hai bên đã đi đến những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch loại nông sản này. Tuy nhiên, mọi việc phải đình lại vì Covid-19.
Còn theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải được sản xuất từ vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở do Bộ NN&PTNT cấp mã số, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, muốn đi chính ngạch, doanh nghiệp Việt cần thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, từ mã số vùng trồng đến mã số cơ sở đóng gói. Trong khi đây lại là khâu còn nhiều vướng mắc nhất. Muốn vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, việc hình thành những vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết với nông dân cũng đang được chú trọng.
Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Do đó, việc thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, giao dịch xuất khẩu và cách thức, quan điểm tiếp cận thị trường, từng bước chính quy hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh trái cây nói chung và trái sầu riêng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc.
Hiện các Bộ, ngành liên quan đã và đang phối hợp với phía Trung Quốc ưu tiên triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro dịch bệnh, mở cửa thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng quả sầu riêng. Để đón đầu cơ hội xuất khẩu, các địa phương cũng đang xúc tiến đàm phán, xây dựng hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng. Tại Lâm Đồng, nông dân đã chuẩn bị mọi điều kiện, trong đó có chất lượng sản phẩm, liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tiêu chuẩn cho sản phẩm sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu.
Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 3.000ha sầu riêng. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân tại Bình Phước đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường Trung Quốc và thay đổi tư duy, chuỗi sản xuất. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã có lộ trình xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc đối với loại trái cây này. Sở NN&PTNT tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng để chuẩn bị và đảm bảo cho việc xuất khẩu đi Trung Quốc dễ dàng.
Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, bên cạnh đó, việc các địa phương đã và đang từng bước hoàn thiện sản phẩm sầu riêng của mình cả về chất lượng thông qua việc sản xuất sầu riêng công nghệ cao cũng như xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng sầu riêng VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc sẽ là những yếu tố quan trọng đảm bảo rằng sầu riêng của địa phương mình chắc chắn sẽ được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Bài đọc thêm: