Xuất khẩu Thanh long sang Ấn Độ: Tránh ăn xổi ở thì

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ liên tục tăng trong thời gian qua nhưng vẫn còn dưới tiềm năng và nhu cầu của Ấn Độ…

  • Ấn Độ bắt đầu triển khai trồng thanh long tại một số bang phù hợp 
  • Thanh long Việt Nam khó khăn trong xuất khẩu do tình hình dịch bệnh 

Những ngày vừa qua đã chứng kiến một số thời điểm nông sản, trong đó có trái thanh long gặp nhiều thách thức khi tìm đường xuất khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động và đời sống của doanh nghiệp và người nông dân. Để góp phần giải quyết tiêu thụ thanh long Việt Nam và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ngày 19/1/2022, Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và các cơ quan xúc tiến thương mại tại Ấn Độ tổ chức Chương trình xúc tiến thanh long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Ấn Độ là thị trường trọng điểm của khu vực Nam Á, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành đích đến tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ có nền tảng quan hệ tốt đẹp với bề dày 50 năm lịch sử, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ có dung lượng gần 1,4 tỷ dân; số lượng người ăn chay, có thói quen ăn uống với trái cây đông đảo. Ấn Độ nhập khẩu 95% từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Người Ấn Độ đánh giá khá tốt trái thanh long, vì có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng.

Ngoài ra, hiện nay Ấn Độ cũng bắt đầu triển khai trồng thanh long tại một số bang như Maharashtra, Karnataka, Andhra Pradesh, West Bengal, Telangana, Tamil Nadu, Odisha, Gujarat, quần đảo Andaman – Nicobar, và một số bang vùng Đông Bắc Ấn Độ với diện tích khoảng 3.000 – 4.000 ha và sản lượng đạt 12.000 tấn/năm. Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ – đánh giá, nhìn chung sản lượng này là thấp và chất lượng thanh long Ấn Độ không ngon và ngọt như thanh long Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội để mặt hàng này mở rộng hơn vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương cùng với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn chú trọng tạo thuận lợi cho việc đưa trái thanh long vào thị trường Ấn Độ, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nhà nhập khẩu Ấn Độ, xúc tiến quảng bá trái thanh long Việt Nam với người tiêu dùng Ấn Độ. Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã hỗ trợ nhiều đoàn doanh nghiệp trong nước sang xúc tiến quảng bá thanh long tại Ấn Độ, hiện tại có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang thị trường nhiều tiềm năng này. Sau các chương trình quảng bá và xúc tiến thương mại, người dân Ấn Độ biết đến và ưa chuộng thanh long Việt Nam nhiều hơn, lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ không ngừng tăng. Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng mạnh từ 27% trong năm tài chính 2014 – 15 lên 52% năm 2018 – 19, và chiếm gần 90% tổng lượng thanh long nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng gần đây.

Là “thủ phủ” của thanh long, Bình Thuận cũng đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ loại quả này sang Ấn Độ thông qua việc hỗ trợ của Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, và thu được nhiều kết quả khả quan. Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận – cho biết, nếu như năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thanh long của tỉnh sang Ấn Độ mới chỉ đạt 316.400 USD (tương đường 595 tấn), thì năm 2018 là 452.100 USD (tương đương 545 tấn) và năm 2019 đã tăng lên 822.200 USD (tương đương 1.064 tấn) (tăng bình quân 64%/năm). Tuy nhiên, trong thời gian qua, xuất khẩu thanh long của tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng bởi tình hình bùng phát dịch Covid-19 mạnh ở một số nước, trong đó có thị trường Ấn Độ… nên kim ngạch xuất khẩu giảm.

Diện tích cho thu hoạch từ nay đến tháng 3/2022 khoảng 19.350ha (khoảng 30%) tổng diện tích thanh long hiện có, sản lượng khoảng 236.780 tấn. Thông qua hội nghị này, sẽ có thêm nhiều đối tác quan tâm và lựa chọn sản phẩm thanh long Việt Nam cũng như của tỉnh Bình Thuận, nhiều hợp đồng kết nối giao thương, tiêu thụ thanh long được ký kết”, ông Biện Tấn Tài chia sẻ.

Cần có chiến lược lâu dài, tránh kiểu “ăn xổi ở thì”

Mặc dù có nhiều tiềm năng, song theo ông Đỗ Quốc Hưng, hoạt động xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ vẫn còn chưa tận dụng hết cơ hội của thị trường lớn này. “Khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ phần nào đến từ khoảng cách địa lý, tiếp cận thông tin về quy định, chính sách xuất nhập khẩu cũng như phòng dịch của Ấn Độ còn hạn chế. Ấn Độ cũng là một thị trường thường đưa ra các chính sách mới, đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu như không được phổ biến kịp thời”, ông Đỗ Quốc Hưng chia sẻ.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ, ông Đỗ Thanh Hải – Tham tán Công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ – nhận định, các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài, bền vững khi xuất thanh long vào thị trường Ấn Độ, không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức thị trường Ấn Độ đối với tiêu thụ thanh long Việt Nam. Từ đó có sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính đối với công tác xúc tiến thương mại thanh long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ và các chương trình quảng bá lớn, đa dạng về hình thức, để trái thanh long đến được với đông đảo người dân Ấn Độ.

Trên thực tế, trái thanh long chủ yếu xuất hiện ở các khách sạn, các buổi tiệc, không xuất hiện nhiều trong các nhà hàng và đặc biệt là tại các siêu thị, quầy bán hàng hoa quả, bán hàng rong. Nhiều người dân Ấn Độ không biết cách ăn, chế biến loại hoa quả này”, ông Bùi Trung Thướng chia sẻ.

Ngoài ra, cần đặt mục tiêu cụ thể đối với thị trường Ấn Độ. Tăng cường công tác phối hợp giữa giữa Đại sứ quán, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong việc trao đổi thông tin thị trường, mùa vụ, giá cả, doanh nghiệp, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam quan tâm hơn nữa đến thị trường Ấn Độ, từ đó có sự nghiên cứu thị trường và tương tác nhiều hơn với các đối tác Ấn Độ, phát huy tinh thần chủ động, tự lực là chính và tham khảo sự hỗ trợ, tư vấn của cơ quan Thương vụ.

Theo congthuong.vn

Bài đọc thêm:

  1. Đến hẹn lại lên cùng điệp khúc ‘giải cứu’ nông sản Việt
  2. Giá container lạnh đường biển tăng gấp 3-4 lần trong thời gian ngắn
  3. Quảng Ninh: Tạm thời dừng tiếp nhận hoa quả, thủy sản đông lạnh

Popular Posts

Back To Top