Mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khoảng 2.000 tấn thanh long và chiếm khoảng hơn 80% thị phần thanh long tại Nhật...
Nhật Bản là thị trường nổi tiếng khó tính, có quy định kiểm dịch khắt khe, theo tiêu chuẩn cao đối với các sản phẩm hoa quả tươi nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có quả thanh long. Ngoài những quy định chung về điều kiện trồng trọt, xử lý, bao bì, dán nhãn, chứng nhận kiểm dịch thực vật…quả thanh long tươi muốn xuất khẩu sang thị trường này còn phải đảm bảo một số quy định kỹ thuật như xử lý dịch hại, lấy mẫu kiểm tra trước xử lý, kiểm dịch thực vật và giấy chứng nhận. Ngoài ra, các lô thanh long xuất khẩu sang Nhật còn phải được xử lý hơi nước nóng. Đồng thời, việc xử lý hơi nước nóng phải được sự giám sát của cán bộ kiểm dịch của cả Việt Nam và Nhật Bản (tuy nhiên năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên Cục BVTV của Việt Nam đã đàm phán để phía Nhật Bản ủy quyền cho phía Việt Nam được chủ động giám sát).
Lưu ý khi xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản
Để xuất khẩu hoa quả tươi nói chung và thanh long sang Nhật Bản một cách ổn định, bền vững doanh nghiệp cần lưu ý: Hoa quả tươi Việt Nam kể cả khi thâm nhập thành công thị trường nhưng để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc không hề đơn giản. Thị trường Nhật Bản là thị trường hết sức khó tính, khi chúng ta để lượng lượng quả tươi xuất sang Nhật vì bất kỳ lý do gì không được tốt, dù từ phía người nông dân hay doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần một lô quả không đảm bảo tươi ngon, không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, để tồn dư chất bảo vệ thực vật thì bao công sức của bà con nông dân trồng ra được quả ngon sẽ không còn ý nghĩa. Chúng ta cần phải thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả tươi ngon, giữ được chất lượng, giữ được thương hiệu và giữ được thị trường.
Một vấn đề nữa cần lưu ý đó là người tiêu dùng Nhật Bản luôn có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu luôn mong muốn sự ổn định của giá cả và lượng cung từ phía đối tác Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch để nghiên cứu nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, hình thức sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu riêng biệt của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Nhu cầu thị hiếu, cơ hội:
Ở Nhật Bản, thanh long được coi là loại quả nhiều chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, đặc biệt là phụ nữ thích ăn thanh long vì cho rằng thanh long sẽ giúp làn da đẹp, mịn màng. Người Nhật ăn thanh long theo kiểu làm sa lát, trộn với các loại hạt ngũ cốc…, ngoài ra cũng ăn trực tiếp như các loại hoa quả khác.
Gần đây nhiều công ty của Việt Nam bắt đầu giới thiệu, chào hàng sản phẩm thanh long qua chế biến như nước quả thanh long đóng chai, thanh long sấy dẻo…, tuy nhiên về mẫu mã và giá cả chưa phù hợp với người tiêu dùng Nhật Bản. Các sản phẩm này nếu được đầu tư tốt, nghiên cứu kỹ nhằm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng thì sẽ có thể có chỗ đứng tốt tại thị trường Nhật Bản.
Theo vietnamexport.com
Bài đọc thêm: