Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, XK tôm tiếp tục tăng trưởng khoảng 40% trong tháng 3/2022 nhờ nhu cầu tăng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý II có thể đạt 2 tỷ USD. Ngành thủy sản đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tận dụng tốt nhu cầu thị trường và gia tăng chế biến, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm nay.
Riêng với mặt hàng tôm, theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng khoảng 40% trong tháng 3 nhờ nhu cầu thị trường đang mạnh. Xuất khẩu tôm cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 3% so với năm ngoái.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt gần 560 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh… trừ thị trường Nga do bị gián đoạn trước tác động từ cuộc xung đột Nga – Ucraina.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 117,5 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu COVID-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có tôm tiếp tục tăng cao.
Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Thị trường Trung Quốc đã có tín hiệu phục hồi tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch xuất khẩu đạt 39,7 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục trong thời gian qua, khiến phí vận tải tăng, ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ngành tôm tận dụng cơ hội bứt phá trong năm 2022
Ngoài việc giá xăng dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp gặp khó thì những chi phí nguyên liệu đầu vào và phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh so với các nước đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…
Cuộc xung đột Nga – Ucraina ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu tôm sang Nga và Ucraina dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, tại những thị trường nhập khẩu tôm chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang khá khởi sắc. Bên cạnh những khó khăn, các doanh nghiệp thủy sản đã chủ động tận dụng tốt những cơ hội từ đà phục hồi kinh tế để triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm đạt mục tiêu năm nay.
Tất bật sản xuất và khẩn trương giao các lô hàng, Công ty TNHH Thái Minh Long cho biết, năm 2022 thị trường tôm khá khởi sắc khi đơn vị sớm ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu.
“Hiện công ty đã ký được 80% công suất của tòan năm 2022. Chúng tôi cũng đón nhận cơ hội bằng việc đầu tư nhà máy với công nghệ chế biến sâu”, ông Trần Văn Diệu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long cho hay.
Ở khâu nuôi, các địa phương định hướng không gia tăng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng các quy trình công nghệ cao để sản xuất ra con tôm sạch, năng suất cao và có giá bán tốt.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho hay: “Ứng dụng các quy trình nuôi 2, 3 giai đoạn để làm sao tăng năng suất, chất lượng tôm”.
“Chế biến sâu làm ra nhiều mặt hàng tinh chế có vậy sẽ nâng cao giá trị sản phẩm tôm”, ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay.
Năm 2022, xuất khẩu tôm đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2021 với kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Hiện Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là cơ hội vàng cùng với sự chuẩn bị tích cực nói trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành tôm nước ta tiếp tục bứt phá.
Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho con tôm Việt
Cơ hội với ngành tôm là rất lớn nhưng mới đây tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập hiện nay của ngành.
Một trong đó đó là giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư tăng cao.
Để giúp con tôm Việt có thể nâng cao sức cạnh tranh cần triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Cần tổ chức sản xuất lại thành các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với cơ sở cung cấp vật tư đầu vào và các nhà máy chế biến, từ đó ngay bước đầu tiên sẽ hạ giá thành đầu tư đầu vào nâng sức cạnh tranh của con tôm. Ngoài ra, cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí trong quá trình sản xuất, hạn chế rủi ro để tăng sức cạnh tranh của con tôm”.
Cũng tại hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt mốc trên 4 tỷ USD các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại, giải quyết được các thách thức về điều kiện hạ tầng, con giống, môi trường… để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững.
Theo VTV.vn
Bài đọc thêm:
- Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu 3 công ty tôm của Ecuador
- Xuất khẩu tôm dự báo tăng trưởng 40% trong tháng 3/2022
- Xuất khẩu tôm có cơ hội đạt trên 4 tỷ USD trong năm nay