Xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan tại hầu hết các thị trường
Xuất khẩu tôm trong tháng 1/2022 tăng trưởng khả quan, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã ký cuối năm 2021…
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 1/2022 đạt trên 313 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu ở hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng khả quan.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 1/2022, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 238 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 43 triệu USD, tăng 92%. Trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất 157%.
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Xuất khẩu tôm đi Mỹ tháng 1/2022 đạt hơn 67 triệu USD, tăng 9% so với tháng 12/2021 và tăng 61% so với tháng 1/2021.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của tôm Việt Nam là Nhật Bản, đạt trên 54 triệu USD trong tháng 1, tăng 23% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm nay đạt gần 54 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang 3 thị trường nhập khẩu chính trong khối là Hà Lan, Đức và Bỉ tăng lần lượt 116%, 32% và 91%.
Trái với các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 18 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của chính sách “Zero Covid”, kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu của Chính phủ nước này.
Theo các doanh nghiệp chế biến tôm, tâm lí công nhân ổn định, tinh thần khách hàng tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong tình hình mới là sống chung với Covid-19 cũng là những tín hiệu đáng lạc quan cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu đầu năm, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao… vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.
Bài đọc thêm: