Châu Á là khu vực đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Theo thông tin về tình hình xuất nhập khẩu tháng 4 và 4 tháng đầu năm do Tổng cục Hải quan đưa ra chiều nay (17/5), xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 4 đạt 65,78 tỷ USD, giảm 2,4% tương ứng giảm 1,59 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu là 33,32 tỷ USD, giảm 4% (tương ứng giảm 1,39 tỷ USD) và nhập khẩu là 32,47 tỷ USD, giảm 0,6% (tương ứng giảm 195 triệu USD).
Tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 242,43 tỷ USD, tăng 15,9% tương ứng tăng 33,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5% (tương ứng tăng 17,3 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 119,95 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 15,9 tỷ USD).
Trong tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 849 triệu USD, tính trong 4 thán, cả nước xuất siêu 2,53 tỷ USD.
Về các thị trường (tính theo châu lục), 4 tháng qua trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt xấp xỉ 157,5 tỷ USD (đạt 157,49 tỷ USD), tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
3 đối tác thương mại lớn ở châu Á là Trung Quốc (xuất khẩu 17,92 tỷ USD, nhập khẩu 38,08 tỷ USD); Hàn Quốc (xuất khẩu 8,32 tỷ USD, nhập khẩu 22,36 tỷ USD); Nhật Bản (xuất khẩu 7,39 tỷ USD, nhập khẩu 7,92 tỷ USD).
Đáng chú ý, trong quan hệ thương mại với 3 đối tác thương mại lớn nhất ở châu Á, Việt Nam đều chịu thâm hụt, trong đó nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc với con số lên đến hơn 20 tỷ USD.
Ở 4 châu lục còn lại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Mỹ đạt 50,71 tỷ USD, tăng 17%; châu Âu đạt 26,15 tỷ USD, tăng 11,5%; châu Đại Dương đạt 5,44 tỷ USD, tăng 30%; châu Phi đạt 2,64 tỷ USD, tăng 7,9%.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm