Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” được kỳ vọng có nhiều chuyển biến lớn…
Xây dựng khung kiến trúc mở và linh hoạt
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), đây là đề án đầu tiên của ngành Công Thương thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đề án được thiết kế theo khung tổng thể thống nhất của Chính phủ điện tử. Doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, hợp tác xã sẽ là đối tượng hưởng lợi chính của đề án.
Một trong những nội dung cơ bản của đề án là xây dựng và phát triển Hệ sinh thái XTTM số (DECOBIZ). Đây là kết cấu hạ tầng mềm, bao gồm các trụ cột: Thông tin thị trường, hội chợ triển lãm trực tuyến, giao thương, tư vấn – huấn luyện, logistics. “Đặc biệt, nền tảng chuyên ngành (Sandbox)- DECOBIZ sẽ là hệ sinh thái mở, luôn được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các ứng dụng cho phù hợp với bối cảnh thực tế”- bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin XTTM (INTEC), Cục XTTM – nhấn mạnh. Trong DECOBIZ, quản trị thông tin XTTM sẽ là hệ thống lõi, chứa dữ liệu của hệ sinh thái. Cục XTTM đã phát triển hệ thống thông tin điều hành XTTM số trong hệ thống quản trị, đưa vào sử dụng hơn một năm qua và đã đạt được một số kết quả ban đầu.
Tạo môi trường pháp lý thông thoáng
Hiện, một số ứng dụng trong DECOBIZ cũng đã được thử nghiệm và ghi dấu tích cực trong xúc tiến xuất khẩu nông sản. Trong đó, bản đồ XTTM nông sản đã hoàn thành giai đoạn 1. Bản đồ này hiển thị thông tin khá đầy đủ về sản phẩm như địa điểm trồng, truy suất nguồn gốc, được trồng theo tiêu chuẩn nào, mã số vùng trồng. Nền tảng truy suất nguồn gốc XTTM (iTrace 247) hiển thị bằng một số ngôn ngữ nước ngoài, giúp tạo niềm tin và khẳng định thương hiệu sản phẩm với khách hàng quốc tế…
Ông Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thành chương trình hành động cho đề án để triển khai trong năm 2022. Chương trình hành động đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng năm, sau mỗi năm, sẽ tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất kiến nghị điều chỉnh mục tiêu trong năm tới. Căn cứ chương trình hành động được ban hành, hàng năm, Sở Công Thương địa phương sẽ làm đầu mối đề xuất nhiệm vụ cụ thể của tỉnh tham gia DECOBIZ; nền tảng, tiện ích phù hợp với thực tế địa phương.
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM thời điểm hiện tại không còn là lựa chọn mà đã là sự bắt buộc cho mỗi quốc gia, DN nhằm thích nghi với bối cảnh thương mại mới. Để chuyển đổi số trong XTTM diễn ra suôn sẻ, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cần quan tâm, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, chú ý đến phương tiện và mô hình chuyển đổi số. Đặc biệt, chú trọng đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho DN và cải cách thủ tục hành chính, thuế nhập khẩu… tạo tiền đề cho công tác XTTM trên môi trường số ngày càng hiệu quả.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc cập nhật, chia sẻ dữ liệu tiến tới hệ thống hóa là yếu tố tiên quyết đối với chuyển đổi số trong XTTM; sự tương thích, gắn kết chuyển đổi số trong XTTM với các lĩnh vực khác như xử lý tranh chấp trong thương mại trực tuyến là cần thiết. Cùng đó, cần xanh hóa XTTM, XTTM gắn với từng thị trường cụ thể và thị trường truyền thống…
Đóng góp ý kiến cho chương trình hành động về chuyển đổi số trong hoạt động XTTM của Bộ Công Thương, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam bày tỏ, cần đảm bảo tính tiếp cận và hiểu rõ mối quan tâm của DN với dự án, mới có thể đảm bảo XTTM chuyển đổi số thành công. Khuyến khích chương trình hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn. Sự tham gia của các ngân hàng như một đơn vị đồng hành về tài chính giúp DN mạnh dạn tham gia XTTM số.
Theo Báo Công Thương