Tiêu thụ cao su thế giới thay đổi, nhu cầu cao su thiên nhiên bền vững đang hiện hữu. Yếu tố nào để ngành cao su gia tăng thị phần xuất khẩu?
- Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên.
- Cần tạo khung pháp lý thúc đẩy mô hình quản lý rừng cao su bền vững.
Theo báo cáo sản xuất cao su thiên nhiên bền vững ở Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề quan tâm”, do Tổ chức Forest Trends vừa công bố, Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên.
Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRG) cho thấy, diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000 ha, trong đó phần diện tích của tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty Nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.
Giống như một số ngành hàng nông – lâm nghiệp khác, động lực phát triển của ngành cao su của Việt Nam là dựa vào xuất khẩu cao su. Hai mặt hàng xuất khẩu chính hiện tại của ngành bao gồm cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su. Ngoài hai nhóm sản phẩm xuất khẩu này, còn có các sản phẩm gỗ được làm từ gỗ cao su xuất khẩu,.
Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên từ Việt Nam đạt gần 3,3 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su đạt 3,7 tỷ USD. Một phần trong lượng xuất khẩu từ Việt Nam đặc biệt là trong nhóm mặt hàng cao su thiên nhiên có nguồn gốc từ cao su nhập khẩu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu vào thị trường này chiếm trên 70% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu vào tất cả các thị trường. Chủng loại cao su thiên nhiên xuất khẩu từ Việt Nam tương đối đa dạng, trong đó cao su hỗn hợp đóng vai trò chủ đạo, chiếm gần 63% trong tổng lượng xuất khẩu.
Đánh giá về nhu cầu thị trường thế giới về các cao su thiên nhiên bền vững, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách (Forest Trends) – nhận định, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhu cầu về cao su thiên nhiên bền vững đang hiện hữu tại Việt Nam.
Thời gian vừa qua, Công ty Yulex– một công ty toàn cầu hiện đang sử dụng cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững FSC – đã thực hiện các chuyến khảo sát tới một số công ty cao su và các hộ tiểu điền để tìm hiểu khả năng thực hiện các liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam.
Đại diện Công ty Yulex đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về bao tiêu đầu ra sản phẩm và trả giá cao hơn giá thị trường đối với sản phẩm cao su thông thường nếu các đơn vị này có nguồn cung cao su thiên nhiên bền vững, đặc biệt là cao su có chứng chỉ FSC cho Yulex.
Tương tự, Công ty Weber and Schaer – một công ty toàn cầu với 170 năm kinh nghiệm về mảng cao su có trụ sở chính tại Đức đã có nhiều hoạt động khảo và thương mại tại Việt Nam và cũng đưa ra các cam kết tương tự trong việc bao tiêu sản phẩm và trả giá cao hơn đối với mặt hàng cao su thiên nhiên bền vững. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường nếu Việt Nam sản xuất được mặt hàng này trong tương lai.
Sản xuất cao su thiên nhiên bền vững trong tương lai là hướng đi tất yếu của Việt Nam, ông Tô Xuân Phúc khẳng định và cho biết, đây là có cơ hội cho Việt Nam nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị sản phẩm đầu ra, đồng thời giúp cho việc đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội trong các khâu sản xuất.
Trên thế giới hiện có hai hệ thống chứng chỉ bền vững gồm PEFC (Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng) và FSC (Hội đồng quản lý rừng). Các tiêu chí FSC được coi là khắt khe hơn so với PEFC.
Việt Nam đã phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS). Hiện hệ thống này được PEFC công nhận. Đến nay, Việt Nam đã khó khoảng 97.300 ha diện tích cao su đạt chứng chỉ VFCS. Toàn bộ diện tích này của các công ty cao su nhà nước. Mặc dù tốc độ mở rộng diện tích đạt chứng chỉ nhanh, tuy nhiên, các diện tích đạt chứng chỉ vẫn chưa xứng với tiềm năng của ngành. Toàn bộ các diện tích cao su tiểu điền đến nay chưa đạt được chứng chỉ. Đặc biệt Việt Nam chưa có diện tích nào đạt chứng chỉ FSC cho thấy một số hạn chế hiện nay của ngành.
Nguyên nhân là do nhiều công ty cao su chưa quan tâm thích đáng đến việc sản xuất cao su có chứng chỉ. Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn thông tin hoặc do doanh nghiệp mới chỉ ưu tiên trọng tâm vào các thị trường xuất khẩu chưa đòi hỏi các loại hình chứng chỉ như Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chuỗi cung hiện tại của ngành còn phức tạp, bao gồm sự pha trộn của các hợp phần đại điền và tiểu điền, nguồn cung nội địa và nhập khẩu. Điều này làm cho hoạt động truy xuất – làm nền cho việc đánh giá và công nhận chứng chỉ – khó khăn và trong nhiều trường hợp là không thể. Chuỗi liên kết trong ngành cao su còn lỏng lẻo, thiếu bền vững.
Theo bà Phan Trần Hồng Vân – Phó Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam, áp lực phát triển bền vững đã thúc đẩy ngành cao su tiếp tục tăng cường vai trò cải thiện môi trường và điều kiện xã hội tại vùng cao su.
Trước những thách thức, yêu cầu của thị trường, VRG đã đề xuất Kế hoạch hành động vì phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam, đồng thời xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu đã cho thấy Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”….
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển bền vững ngành cao su, Nhà nước cần tạo khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích các mô hình quản lý rừng cao su bền vững, nông lâm kết hợp, bảo vệ môi trường và hướng đến đạt chứng nhận quốc gia hoặc quốc tế. ….
Về phía các doanh nghiệp cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển bền vững theo pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền nhằm tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam…
“Thúc đẩy cao su thiên nhiên bền vững ở Việt Nam bên cạnh việc giải quyết thỏa đáng các hạn chế nêu trên còn cần những chương trình hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa người mua tiềm năng như Yulex hay Weber & Schaer và các công ty cao su của Việt Nam cũng như các hộ cao su tiểu điền. Ngành gỗ đã có những mô hình rất thành công trong việc liên kết giữa các bên để tạo ra nguồn gỗ có chứng chỉ FSC. Ngành cao su có thể học hỏi mô hình của ngành gỗ”, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị.
Năm 2021, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su bao gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa của cả nước, tăng 20,8% so với năm 2020. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt hơn 1,9 triệu tấn với giá trị gần 3,3 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về giá trị so với năm 2020 nhờ đơn giá xuất khẩu bình quân tăng 23%.
Theo Công Thương
Bài đọc thêm