Trung tâm Phân tích của Hiệp hội Thủy sản Nga đã nghiên cứu những sản phẩm cá được người Nga ưa chuộng trước tác động của các lệnh trừng phạt
Tính đến cuối năm 2021, cá trích đứng đầu trong 5 loại cá và hải sản phổ biến nhất trên thị trường bán lẻ của Nga. Nhu cầu thường xuyên đối với loài cá này không hề suy giảm – chiếm 17% doanh số bán hàng. Năm ngoái, người Nga đã ăn hơn 267 nghìn tấn cá trích chế biến sẵn – muối, hun khói hoặc bảo quản.
Tỷ trọng nguyên liệu thô nhập khẩu trong nhóm này ước tính chỉ khoảng 25% còn lại là nguồn cá trích Viễn Đông, vốn đã được xuất khẩu trước đó. Hiệp hội ngành cá trích tin rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt, cá trích vẫn sẽ giữ vị trí đầu tiên trong các sở thích của người tiêu dùng.
Thanh cua đứng vị trí thứ hai trong danh sách này, chiếm hơn 10% trên kệ hàng thủy sản. Năm ngoái, thị trường nội địa tiêu thụ hơn 180.000 tấn thanh cua. Các nhà phân tích không nhìn thấy điều kiện tiên quyết cho những thay đổi lớn, vì nguồn cung chính của surimi – nguyên liệu sản xuất sản phẩm phổ biến này – đến từ các quốc gia Đông Nam Á, vốn không ủng hộ các hạn chế. Năm 2021, các nhà sản xuất cá trong nước tích cực tăng sản lượng surimi từ cá minh thái cả trên biển và trên đất liền, sản xuất hơn 21 nghìn tấn, tăng hơn 30% so với một năm trước đó.
Đứng thứ 3 trong các loại thủy sản phổ biến nhất là tôm, với doanh số năm ngoái vượt 117 nghìn tấn – cả sản phẩm đông lạnh và một phần sản phẩm chế biến bảo quản. Có tới 70% tôm trên thị trường Nga được nhập khẩu. Các giống tôm nước ấm như tôm thẻ chân trắng đến từ Đông Nam Á dự kiến sẽ không bị thiếu hụt. Nhưng với tôm miền Bắc, một số khó khăn có thể nảy sinh. Tuy nhiên, loài này cũng được ngư dân Nga đánh bắt, họ sẽ có cơ hội mở rộng nguồn cung cho thị trường nội địa.
Doanh số bán cá thu năm 2021 vượt 102 nghìn tấn, và theo Hiệp hội thủy sản, tình hình có thể lặp lại trong năm nay. Hiện khoảng 60% cá thu trên kệ hàng có nguồn gốc nhập khẩu, nhưng không phải do thiếu nguyên liệu mà do bất cập trong khâu hậu cần. Khối lượng lớn cá thu Thái Bình Dương được xuất khẩu, trong khi cá thu Đại Tây Dương được thu mua cho nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến cá ở khu vực Trung Âu của đất nước. Theo các nhà phân tích, sẽ không có vấn đề gì xảy ra với cá thu trong quá trình tái cơ cấu hoạt động của ngành hậu cần.
Đứng cuối trong top 5 loài cá là đối tượng đánh bắt khổng lồ nhất ở vùng biển Nga – cá minh thái. Vì sản lượng cá minh thái nhiều hơn so với nhu cầu của thị trường quốc gia, các chuyên gia dự đoán rằng tiêu thụ cá minh thái trong nước sẽ tăng trưởng.