Khuyến khích các ngành hàng tự xây dựng nhãn sinh thái, các tiêu chí ứng xử nội bộ, khuyến khích cộng đồng tiêu dùng xanh… bằng cách nào?…
- Nhãn sinh thái thể hiện sự tôn trọng môi trường nhưng chưa nhận được sự chú ý của doanh nghiệp
- Chỉ tiêu phủ nhãn sinh thái chỉ góp phần nhỏ bảo vệ môi trường, còn cần các chỉ tiêu về khai thác, sử dụng, v.v..
- Việc mua sắm sản phẩm có nhãn sinh thái cũng cần được đẩy mạnh
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chể hóa nhiều chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, có nhiều chế định mới bảo đảm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”; cắt giảm và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… Việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để trình Chính phủ ban hành là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng Nghị định phải tuân thủ đúng nội dung, chính sách của Luật và trên tinh thần chung là bảo vệ môi trường cho để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Góp ý cho dự thảo Nghị định, nhiều hiệp hội ngành hàng nêu quan điểm, cần khuyến khích các ngành hàng tự xây dựng nhãn sinh thái, xây dựng các tiêu chí ứng xử nội bộ, khuyến khích cộng đồng tiêu dùng xanh…
Chương trình Nhãn xanh Việt Nam được hình thành với mục tiêu tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường thông qua khuyến khích các mẫu hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường được Nhà nước đánh giá, chứng nhận.
Đây cũng là phương pháp giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm từ đó so sánh lợi ích của sản phẩm được gắn nhãn sinh thái với sản phẩm cạnh tranh cùng loại góp phần không nhỏ cho việc tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Song trên thực tế hiện nay, cộng đồng đặc biệt là doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà” với việc sử dụng các sản phẩm có dán nhãn xanh sinh thái.
Trong khi đó, thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái là một trong những nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chương trình nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đưa ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030 như:
- Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dung bền vững;
- Giảm 7-10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát;
- 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy;
- 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững;
- 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững;
- 90% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình vào các văn bản chính sách, pháp luật tại địa phương;…
Để khuyến khích các ngành hàng tự xây dựng nhãn sinh thái, không chỉ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; mà còn phải thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng;
Đồng thời, đẩy mạnh mua sắm bền vững; nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải; đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: