Còn hàng nghìn xe container ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn

Tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn, hiện vẫn còn khoảng hơn 1.800 xe container ùn tắc, chủ yếu là xe chở hoa quả, đồ đông lạnh.

Sau nhiều chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp giải quyết của các Bộ ngành và địa phương, lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hiện đã giảm đáng kể so với 2 tuần trước.

Tỉnh Lạng Sơn đang tập trung xử lý ùn tắc và hỗ trợ các đoàn xe, cùng với đó, tính toán các phương án lâu dài, trong đó xây dựng các vùng xanh, luồng xanh ở khu vực biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch COVID-19 hài hòa với phía Trung Quốc.

Những ngày này, lượng phương tiện chở hàng hóa lên cửa khẩu tuy có giảm với cách đây nửa tháng, nhưng cũng còn rất đông xe dồn về cửa khẩu, dù tỉnh Lạng Sơn đã phát đi khuyến cáo với các doanh nghiệp cân nhắc xem xét thời gian hợp lý. Để giảm tải cho khu vực cửa khẩu, cảnh sát giao thông đã tổ chức chốt chặn phân luồng từ xa.

“Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ điều tiết những xe chở hàng nông sản, hàng may mặc hay các mặt hàng khác từ các tỉnh lên của khẩu, vào các bãi trung chuyển. Khi vào bãi, xe sẽ được phát số theo thứ tự, đến số, sẽ được đưa lên cửa khẩu”, Thượng úy Mai Lân Hiếu, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết.

Tỉnh huy động tất cả những địa điểm có thể để tổ chức bãi trung chuyển, nhưng chỉ phục vụ riêng xe chở hàng cũng đã quá tải. Những xe đi lên của khẩu để nhận hàng nhập khẩu buộc phải dừng chờ dọc theo tuyến Quốc lộ 1.

Hiện tại Lạng Sơn vẫn chỉ có 3 cửa khẩu thông quan gồm: cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Chi Ma và ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, nhưng với số lượng rất hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh còn trên 1.800 xe hàng đang dừng chờ thông quan tại các khu vực cửa khẩu, trong đó xe hoa quả xuất khẩu là trên 1.000 xe.

Phía Trung Quốc yêu cầu cao đối với công tác phòng chống dịch và đề nghị phía Việt Nam cùng phối hợp đảm bảo an toàn chống dịch, coi đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn tại khu vực biên giới.

Về lâu dài, để tránh bị động và ùn tắc, sự hỗ trợ của các Bộ, ban ngành là rất cần thiết để hàng xuất khẩu theo hướng chính ngạch, đảm bảo quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra và thông quan và có kế hoạch vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng.

Theo VTV.vn

Popular Posts

Back To Top