Hiệp định thương mại tự do giữa khối EFTA và Indonesia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/ 11/2021 sau khi được các bên ký kết.
Hiệp định này, có tên đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), được khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và Indonesia khởi động vòng đàm phán đầu tiên vào năm 2011. Sau đó, các Bên đã trải qua 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều cuộc họp cấp chuyên gia, tổ chức luân phiên tại các nước EFTA và Indonesia. Hiệp định được chính thức ký kết tại Jakarta, Indonesia vào ngày 16/12/2018.
Đây được coi là một hiệp định toàn diện và hiện đại. Nó bao trùm tất cả các lĩnh vực thường có trong các hiệp định thương mại tự do toàn diện mà khối EFTA đã ký thời gian qua, như thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, thương mại và phát triển bền vững, cũng như các điều khoản pháp lý và các điều khoản ngang.
Hiệp định này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và môi trường pháp lý đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa khối EFTA và Indonesia. Khi kết thúc lộ trình dỡ bỏ thuế quan, tất cả thuế quan sẽ không còn đối với hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp các nước EFTA tiếp cận thị trường Indonesia đối với các sản phẩm xuất khẩu chính như thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm (pho mát, sôcôla, cà phê), các sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị, đồng hồ, hóa chất và dược phẩm.
Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy thương mại dịch vụ, chẳng hạn các dịch vụ liên quan đến năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng, tạo ra một khuôn khổ thúc đẩy các hoạt động đầu tư xuyên biên giới giữa các bên.
Ngoài ra, cũng có một chương về hợp tác và nâng cao năng lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tổng thể của hiệp định và đặc biệt là thúc đẩy các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư mà hiệp định đem lại.
Đồng thời hiệp định cũng hướng tới sự tăng cường hợp tác nhằm đạt được sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Chương về thương mại và phát triển bền vững của hiệp định sẽ tạo ra một khuôn khổ tham chiếu chung, ràng buộc về mặt pháp lý cho các quan hệ thương mại ưu đãi, giúp đảm bảo rằng các mục tiêu phát triển kinh tế phải phù hợp với các mục tiêu về bảo vệ môi trường và quyền lao động.
Về phía Thụy Sỹ, không kể Liên minh châu Âu EU, nước này hiện có 33 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 43 đối tác. Phần lớn FTA này được Thụy Sỹ ký kết trong khuôn khổ khối EFTA. Tuy nhiên, cũng có một số đối tác quan trọng mà Thụy Sỹ ký FTA song phương ngoài khuôn khổ EFTA, như với Nhật Bản, Trung Quốc và mới đây nhất với Anh (cho thời kỳ hậu Brexit).
Trong các nước ASEAN, khối EFTA cùng Thụy Sỹ đã ký FTA với Singapore (có hiệu lực từ tháng 1/2003), Philippines (có hiệu lực từ tháng 6/2018) và Indonesia. Hiện khối EFTA đang tiếp tục đàm phán FTA với Malaysia và Việt Nam. Đàm phán FTA với Thái Lan đã tạm dừng nhưng các bên đang trao đổi để sớm nối lại.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: