Theo quy định, doanh nghiệp nội địa thuê mượn hàng hóa của đơn vị chế xuất theo hợp đồng không thuộc trường hợp được miễn thuế nhập khẩu…
Trong quá trình hoạt động nghiệp vụ, Cục Hải quan Bắc Ninh gặp vướng liên quan đến chính sách thuế đối với hàng hóa doanh nghiệp nội địa thuê mượn của doanh nghiệp chế xuất theo hình thức tạm nhập- tái xuất để phục vụ sản xuất.
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, khoản 2 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: “Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước” thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.
Cũng tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: “Máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất” được miễn thuế nhập khẩu.
Điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định hoàn thuế đối với trường hợp: “Người nộp thuế đã nop thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan”.
Khoản 9, khoản 10 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê thì trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa, phù hợp với các chứng từ có liên quan đến việc đi thuê hàng hóa. Hàng hóa xuất nhập khẩu trong trường hợp đặc biệt khác: Cục hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để bảo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với nguyên tắc xác định trị giá hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu”.
Cũng tại khoản 9 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ 15/10/2019) quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuế phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi mượn, trị giá hải quan là toàn bộ các chi phí mà người đi mượn phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi mượn”.
Đối chiếu với các quy định trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp doanh nghiệp nội địa thuê, mượn hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất theo hợp đồng thuê, mượn để phục vụ sản xuất thì doanh nghiệp nội địa không thuộc trường hợp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Doanh nghiệp nội địa phải kê khai nộp thuế nhập khẩu khi tạm nhập và không thuộc trường hợp được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp khi tái xuất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo Hải quan Online
Bài đọc thêm:
- Bãi bỏ quy định về kiểm tra phương tiện đo lường khi nhập khẩu
- 483 người nộp thuế được Tổng cục Thuế Việt Nam tặng giấy khen
- Giảm thời gian cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an ninh mạng
- Campuchia cho biết sẽ kiểm tra mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam
- Hải Phòng: Thêm 2 máy soi container đi vào hoạt động tại cảng
- Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8