Kích cầu tiêu thụ nông sản nội địa thông qua các sàn thương mại điện tử

Nông sản trong dịch phần nào đã được lưu thông nhờ các sàn thương mại điện tử, tuy nhiên xuất khẩu vẫn cần thêm thời gian để chuyển biến…

Trong bối cảnh việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn trong dịch COVID-19, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) đã hỗ trợ kết nối môi trường số để giải quyết vấn đề này.

Qua các kênh thương mại điện tử, đã có khoảng 5.200 lượt tiếp xúc giữa các doanh nghiệp Việt với các đơn vị nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Trong nước, Cục XTTM đã hỗ trợ kết nối các nông sản tại địa phương với các sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, v.v..

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục XTTM, cần đẩy mạnh hơn nữa thương mại số, tập trung vào các nhóm giải pháp ngắn hạn, cụ thể bao gồm cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thương nhân tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại điện tử.

Cục cho biết dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị kết nối trực tuyến để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo khu vực và các nhóm ngành hàng; quảng bá chỉ dẫn địa lý trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

Riêng trong tháng 9/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương tiêu thụ nông sản qua hình thức phân phối kết hợp online-offline.

Trong Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, đã có tới trên 9.000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhiều nông sản khác thuộc nhóm OCOP đã được tiêu thụ trên toàn quốc với cách thức tương tự.

Theo Tạp chí Công Thương

Bài đọc thêm:

  1. Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô cuối năm 2021
  2. Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
  3. Dự thảo: Doanh nghiệp có F0 không cần đóng cửa cả nhà máy – Bộ Y tế

Popular Posts

Back To Top