Trong tương lai tiếp cận với nguồn gỗ nhập khẩu có thể sẽ khó khăn, cùng với giá gỗ đang có chiều hướng tăng cao sẽ gây khan hiếm nguồn cung.
Tại Tọa đàm “Xung đột Nga – Ukraina và tác động tiềm tàng tới ngành gỗ Việt Nam” do các Hiệp hội Gỗ và Forest Trends tổ chức sáng ngày 9/3, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – đánh giá, ngành gỗ của Việt Nam có độ mở cực lớn, kể cả đầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu và đầu thị trường xuất khẩu. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn từ nhiều nước trên thế giới, với khoảng gần 2/3 lượng nhập khẩu là từ Mỹ và các nước EU. Phần lớn lượng nhập khẩu từ Mỹ và EU được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu.
Nga là nguồn cung gỗ nguyên liệu khổng lồ trong thế giới, với các nước EU và đặc biệt là Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của nguồn cung này. Xung đột Nga – Ukraina với các biện pháp trừng phạt của các nước phương tây, bao gồm hạn chế các thanh toán xuyên biên giới, và sự tẩy chay của các công ty, bao gồm các hãng vận tải biển, có thể sẽ làm cho nguồn cung gỗ từ Nga bị co hẹp, thậm chí mất hẳn trong tương lai. Nếu điều này xảy ra, tác động tới nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới là vô cùng lớn.
“Đến nay, Nga chưa phải là thị trường quan trọng của Việt Nam, cả về khía cạnh cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, lượng cung gỗ nguyên liệu từ Nga nếu bị co hẹp hoặc thậm chí mất đi trong tương lai sẽ làm thiếu hụt cung gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu, từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm Việt Nam, và đẩy giá gỗ nhập khẩu tăng cao”, ông Đỗ Xuân Lập nhận định.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.
Ông Võ Quang Hà – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) – nhận định, với tình hình căng thẳng hiện nay, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU sẽ ảnh hưởng. “Doanh nghiệp đã gọi điện cho các nhà cung cấp tại EU và nhận được thông báo giá nguyên liệu gỗ đã tăng lên. Bởi, EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga”, ông Võ Quang Hà cho hay.
Nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga. Nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế.
Ông Vũ Hải Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Woodsland – đánh giá, trong khoảng 2 năm vừa qua, gỗ từ EU đã tăng 50% nên đây cũng là sức ép rất lớn với các doanh nghiệp về giá thành và buộc khách hàng cũng phải tìm giải pháp. Việc các nhà sản xuất nội thất ở EU cũng thiếu nguồn nguyên liệu từ Nga cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất. Với một số chi tiết sản phẩm, doanh nghiệp đã bàn với đối tác là thay thế gỗ khác, ví dụ, thay gỗ sồi bằng gỗ keo. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế là có lượng gỗ từ rừng trồng đang cung ứng khá tốt với sản lượng lớn. Trong tình hình bất ổn như hiện nay, việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa cả về lượng và chất sẽ là chỗ dựa tốt cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.
Nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trends – cho rằng, việc chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng. Chiến lược bao gồm việc đa dạng hóa các loài gỗ rừng trồng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về các loài sử dụng trong chế biến.
Về phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập nhận định, nguồn gốc gỗ từ Nga chủ yếu là gỗ bạch dương với các sản phẩm chế biến chủ yếu là tủ nhà tắm, nhà bếp… Hiện chưa thực sự nhiều khó khăn về nguồn này vì còn đang chờ, phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu liệu có các quy định khắt khe về sản phẩm có sử dụng nguồn gốc từ Nga hay không?. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngành gỗ Việt cần luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó đúng thời điểm.
Theo Báo Công Thương
Bài đọc thêm: