Theo khuyến cáo của WHO, người bình thường nên sử dụng 400g rau/ngày. Tỷ lệ này ở Việt Nam tuy không thấp nhưng rau an toàn chiếm thiếu số..
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm với diện tích trồng rau an toàn (RAT) hiện đang có xu hướng tăng.
Từ năm 2007 đến 2021, diện tích trồng rau của ĐBSCL tăng từ gần 234.000 ha lên đến 290.000 ha, năng suất tăng từ 16,25 tấn/ha lên 19 tấn/ha. Trong đó, RAT chiếm khoảng 5% tổng số diện tích trồng rau tại ĐBSCL vào năm 2021.
Để tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng đối với rau an toàn, nghiên cứu được thực hiện ở Bạc Liêu, với thị trường lớn và thu nhập bình quân đầu người tương đối cao. Tổng số người tham gia nghiên cứu là 133 người.
Kết quả nghiên cứu
Số liệu cho thấy người tiêu dùng trực tiếp mua RAT chủ yếu thuộc nhóm chưa học hết cấp 2 (44,4%), sau đố mới đến nhóm học từ cấp 3 trở lên (39,1%).
So sánh với nhu cầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với 400g rau mỗi ngày, tỷ lệ người dân sử dụng rau ở Bạc Liêu đạt mức cao, có tới 50,4% người được phỏng vấn cho biết tiêu thụ hơn 600g rau mỗi ngày. Tuy nhiên, việc mua rau chủ yếu được thực hiện ở chợ truyền thống (83,5%), khi mà khoảng cách trung mình từ nơi ở đến địa điểm bán RAT, thường là các siêu thị, thường có vị trí tương đối xa, mà giá RAT lại đắt hơn.
Bên cạnh đó, việc phát triển và kinh doanh RAT tại địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn sau:
- sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung nên khó áp dụng các quy trình đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất, đồng thời khó tạo được khối lượng hàng hóa lớn;
- nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên chưa thể mở rộng diện tích và đa dạng hóa đối với sản phẩm RAT;
- chưa đảm bảo được đầu ra sản phẩm cho người trồng RAT.
Ngoài ra, các yếu tố khác như thu nhập, chi tiêu, khoảng cách, sự thuận tiện của nơi bán, v.v.. cũng là những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường RAT.
Theo đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp sau để tăng cường việc tiêu thụ rau an toàn:
- Phát triển thêm các cửa hàng, các điểm bán lẻ RAT tại vị trí thuận lợi mua sắm hằng ngày của người mua để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
- Điều chỉnh giá RAT hợp lý để tăng khả năng mua, đồng thời nâng sản lượng đầu ra cho các đơn vị sản xuất.
Cuối cùng, nghiên cứu nhấn mạnh 3 yếu tố độc lập ảnh hưởng đến quyết định mua RAT của người tiêu dùng tại thành phố Bạc Liêu: (1) sự thuận tiện của nơi bán, (2) khoảng cách đến nơi mua hàng và (3) chi tiêu của người tiêu dùng.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: