Hiện hơn một nửa doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu hoạt động tại TP Hồ Chí Minh đăng ký mở rộng đầu tư kinh doanh.
Đáng chú ý, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Sau 10 năm đầu tư hoạt động, doanh nghiệp sản xuất motor cho các thiết bị điện tử của Nhật quyết định mở rộng đầu tư sản xuất.
“Chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư là vì sau dịch, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử trên thế giới tăng cao, nên đơn hàng của chúng tôi rất dồi dào. Hơn nữa, chất lượng tay nghề của các lao động Việt Nam rất tốt đáp ứng được yêu cầu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nidec Servo Việt Nam Araki Takahisa cho biết.
TP Hồ Chí Minh đang có trên 1.470 dự án của Nhật Bản đầu tư trực tiếp, trong số này có đến 55% dự án đang có kế hoạch xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, tuyển dụng thêm nhiều lao động để mở rộng quy mô, tăng 8% so với các năm trước.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, đây là con số tăng đầu tư lớn so với từ trước đến nay.
“Hiện nay nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quyết định mở rộng đầu tư là do nhu cầu xuất khẩu trên thế giới tăng cao, thứ hai là các doanh nghiệp đánh giá tiềm năng doanh thu, phát triển tại thị trường nội địa của Việt Nam cũng rất lớn, bên cạnh đó là môi trường đầu tư ở Việt Nam rất thuận lợi”, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất ở TP Hồ Chí Minh cho thấy các nhà đầu tư Nhật đặt niềm tin rất lớn vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn, cũng như triển vọng dài hạn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Việc các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động sang ngành có giá trị gia tăng cao: điện tử, công nghệ…, phù hợp với định hướng tái cấu trúc của nền kinh tế, phù hợp với quan điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, phù hợp với nỗ lực của Chính phủ đang thúc đẩy hậu COVID-19 nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright, nhận định.
Cũng theo các chuyên gia, các nhà đầu tư Nhật Bản là những tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chất lượng cao. Do đó lợi ích gián tiếp từ nguồn vốn kinh doanh chất lượng cao này mang lại sự thúc đẩy cải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn để bắt kịp chuẩn mực kinh doanh cao.
Theo VTV.vn
Bài đọc thêm: